Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] Walt Disney: Biến ngành giải trí trở thành một 'đế chế' hùng mạnh

(VNF) – Không chỉ thành công nhờ chuột Mickey hay vịt Donald, Disney còn làm được nhiều hơn thể để biến một công ty giải trí trở thành một "đế chế" hùng mạnh.

[Câu chuyện kinh doanh] Walt Disney: Biến ngành giải trí trở thành một 'đế chế' hùng mạnh

Walt Disney và chuột Mickey đã vẽ nên một huyền thoại trong ngành giải trí.

Walter Elias "Walt" Disney sinh năm 1901 tại Hermosa, Illinois. Ông và anh trai Roy đồng sáng lập nên Walt Disney Productions, trở thành một trong những công ty sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng nhất trên thế giới. Disney là một nhà làm phim sáng tạo và tạo ra nhân vật hoạt hình kinh điển chuột Mickey. Ông đã giành được 22 giải Oscar trong suốt cuộc đời mình, đồng thời là người sáng lập ra các công viên giải trí Disneyland và Walt Disney World.

Hãng phim tuổi thơ

Năm 1919, Disney chuyển đến thành phố Kansas để theo đuổi sự nghiệp họa báo. Anh trai của ông, Roy, đang làm việc tại Pesmen – Rubin Art Studio. Đây cũng là nơi mà Disney gặp gỡ và kết thân với Ubbe Eert Iwwerks, một trong những nhà làm phim hoạt hình tài năng nhất thế giới và cũng là chìa khóa thành công cho Walt Disney sau này.

Từ đó, Disney làm việc tại công ty quảng cáo phim Kansas. Khoảng thời gian này, Disney bắt đầu thử nghiệm với việc làm phim hoạt hình vẽ tay và quyết định mở kinh doanh hãng phim hoạt hình của riêng mình. Từ công ty quảng cáo, ông đã tuyển dụng Fred Harman làm nhân viên đầu tiên của ông.

Hãng phim hoạt hình đầu tiên của Walt Disney - Laugh – O – Grams.

Walt và Harman đã thỏa thuận với một nhà hát tại thành phố Kansas để chiếu phim hoạt hình của họ. Công ty ban đầu của Disney có tên gọi là Laugh – O – Grams. Những bộ phim của hãng này đã trở nên nổi tiếng và Disney đã có phòng thu cho riêng mình.

Laugh – O – Grams đã thuê thêm một số nhân viên, trong đó có anh trai của Harman là Hugh và Iwerks. Họ đã sản xuất một loạt bộ phim hoạt hình cổ tích kéo dài 7 phút, gọi là Alice in the Cartoonland (Alice ở Vùng đất hoạt hình). Tuy nhiên, đến năm 1923, studio này đã phải gánh một khoản nợ lớn và Disney buộc phải tuyên bố phá sản.

Vài năm sau, anh em nhà Disney và Iwerks đã sản xuất ba bộ phim hoạt hình nổi có sự góp mặt của nhận vật chuột Mickey huyền thoại: Plane Crazy, The Gallopin Gaucho và Steamboat Willie. Cả ba đã đem lại thành công không tưởng cho hãng phim của Disney.

Walt Disney bất ngờ thành công với nhân vật ông sáng tạo ra - chú chuột Mickey.

Sau đó, hàng loạt các nhân vật hoạt hình khác được Disney chắp bút sáng tạo ra như Minne Mouse, Donald Dick, Goofy và Pluto cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của cả trẻ em lẫn người lớn trên khắp thế giới.

Năm 1937, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, bộ phim hoạt hình đầy đủ đầu tiên của hãng được công chiếu ở Los Angeles. Bộ phim này đem về doanh thu khổng lồ vào thời điểm bấy giờ là 1,499 triệu USD. Trong những năm tiếp theo, Walt Disney Studios hoàn thành một chuỗi các bộ phim nổi tiếng khác như Pinocchio (1940), Fantasia (1940), Dumbo (1941) và Bambi (1942).

Kinh doanh theo "chuỗi giá trị"

Sau nhiều năm phát triển, Walt Disney đã sở hữu cả ngàn nhân vật, trong đó phải kể đến những nhân vật tầm cỡ như chuột Mickey, vịt Donald, công chúa Bạch Tuyết, nàng tiên cá Ariel, hay công chúa ngủ trong rừng Aurora. Không chỉ bán bản quyền các tác phẩm do mình sản xuất, Disney còn mở rộng kinh doanh bằng cách nhượng quyền thương hiệu.

Chuột Mickey chính là thương hiệu tiên phong trong việc nhượng quyền. Hình ảnh chú chuột đáng yêu được hàng triệu trẻ em thế giới hâm mộ được in khắp nơi từ cặp sách, đồ dùng học tập, đến quần áo, bánh kem,… Sau khi ra đời được hai năm, kem Mickey đã bán được 1 triệu cây và Disney thu được 0,5 USD lợi nhuận cho mỗi cây kem.

Walt Disney - nơi vẽ nên những ước mơ tuổi thơ của hàng triệu khán giả khắp thế giới.

Ngoài ra, Walt Disney còn đưa những nhân vật sáng tạo của mình vào thế giới thật. Công ty này đã đầu tư hàng triệu USD để xây dựng Disneyland (hay còn gọi là Disney World) – công viên giải trí đầu tiên tại Mỹ và hàng đầu trên thế giới.

Công viên giải trí Disneyland trị giá 17 triệu USD của Disney được mở cửa lần đầu vào năm 1955 ở Anaheim, California. Nơi đây trở thành địa điểm giải trí quen thuộc của mọi gia đình. Họ có thể khám phá và gặp gỡ các nhân vật đáng yêu của Disney. Trong một thời gian ngắn, công viên này đã tăng gấp 10 lần số tiền đầu tư và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng trên khắp thế giới.

Chuột Mickey chính là thương hiệu tiên phong trong việc nhượng quyền.

Disneyland được ví như "thiên đường cổ tích" không chỉ dành cho trẻ em mà ngay cả người lớn cũng như được sống lại tuổi thơ khi bước vào thế giới Disney. Một loạt các dịch vụ được đi kèm với Disneyland nhằm thu hút khách du lịch cũng được công ty này triển khai mạnh mẽ.

Chưa dừng ở đó, Walt Disney còn mở rộng chuỗi giá trị hơn bằng việc lập ra kênh truyền hình của riêng mình – Disney Channel. Kênh này chỉ chuyên chiếu các tác phẩm của Walt Disney, từ phim hoạt hình đến phim hài dành cho lứa tuổi thiếu niên. Disney Channel nhanh chóng trở thành kênh truyền hình được trẻ em yêu thích nhất trên khắp thế giới.

Việc luôn thấu hiểu và chiều lòng "fan", đặc biệt là các "fan" nhí giúp Disney chiếm được tình cảm của khán giả trên khắp thế giới. Bất kỳ một chiến dịch nào của hãng được phát động cũng ưu tiên dựa trên ý kiến của người hâm mộ.

Disneyland được ví như "thiên đường cổ tích" không chỉ dành cho cả trẻ em và người lớn.

Riêng ở châu Âu, Walt Disney sở hữu tới hơn 30 nhà nghiên cứu chỉ chuyên trò chuyện với hơn 70.000 trẻ nhỏ và người lớn tại đây. Nhờ vậy, công ty có thể thấu hiểu thói quen, hành vi hay tâm lý của khách hàng, nhằm mang đến cho họ những trải nghiệm tốt nhất.

"Chúng tôi luôn có những cơ sở dữ liệu được thu thập và phân tích một cách kỹ càng, nhưng như các bạn đã biết, Disney là một thương hiệu dành cho những tâm hồn trẻ thơ, vì vậy luôn phải có một sự cân bằng giữa những số liệu khoa học và những cảm xúc hay bản năng", Giám đốc Marketing của Walt Disney, bà Anna Hill, cho biết.

Tin mới lên