Tài chính

Câu chuyện đằng sau những cổ phiếu tăng 'phi mã' trong nửa đầu năm 2019

(VNF) - Mặc dù thị trường chung chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm như trường hợp sàn HNX nhưng nửa đầu năm, giới đầu tư vẫn chứng kiến những cổ phiếu tăng "phi mã" với lợi suất trên 50%. Đằng sau những cổ phiếu tăng "phi mã" này đều hàm chứa câu chuyện riêng.

Câu chuyện đằng sau những cổ phiếu tăng 'phi mã' trong nửa đầu năm 2019

Câu chuyện đằng sau những cổ phiếu tăng 'phi mã' trong nửa đầu năm 2019

Nửa đầu năm 2019 khép lại, chỉ số VN-Index của sàn HoSE tăng 6,43% lên 949,94 điểm. Có phần trái ngược, chỉ số HNX-Index của sàn HNX lại giảm 0,7% xuống 103,51 điểm. Mặc dù thị trường chung chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm như trường hợp sàn HNX nhưng nửa đầu năm, giới đầu tư vẫn chứng kiến những cổ phiếu tăng "phi mã" với lợi suất trên 50%.

Những cái tên tiêu biểu (có vốn hóa trên 500 tỷ đồng, thanh khoản khoảng trên 50.000 đơn vị) trên sàn HoSE có thể kể đến DCL của Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, GTN của Công ty Cổ phần GTNfoods, PPC của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, PHR của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, TDM của Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một, CMG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, NAF của Công ty Cổ phần Nafoods Group.

Trong khi đó, sàn HNX góp mặt 2 cái tên là VCR của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex và TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Đằng sau những cổ phiếu tăng "phi mã" này đều hàm chứa câu chuyện riêng.

Đầu tiên là trường hợp DCL với mức tăng gấp đôi sau nửa năm. Quãng tăng "phi mã" của DCL diễn ra trong quý I/2019. Cụ thể, từ ngày 25/1 đến ngày 7/3, thị giá DCL đã tăng từ 9.300 đồng/cổ phiếu lên 18.850 đồng/cổ phiếu; trong đó, cao điểm là từ ngày 27/2 đến ngày 7/3 với 7 phiên tăng trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu tăng từ 11.900 đồng/cổ phiếu lên 18.850 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng tới 58%.

Diễn biến này từng được cho là liên quan đến việc chuyển đổi trái phiếu quốc tế thành cổ phiếu tại Dược Cửu Long.

Cách đây hơn 1 năm (tháng 2/2018), Dược Cửu Long đã hoàn tất phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi quốc tế riêng lẻ cho nhà đầu tư Rhinos Vietnam Convertible Bind Private Investment Fund No.3 do Rhino Asset Management Co., Ltd (RAM) quản lý. Được biết, giá chuyển đổi là 25.000 đồng/cổ phiếu trong trường hợp không bị pha loãng trước thời gian chuyển đổi.

Đáng chú ý, sau 1 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu, toàn bộ hoặc một phần số lượng trái phiếu phát hành được chuyển đổi thành cổ phiếu DCL, với giá trị chuyển đổi tối thiểu 5 triệu USD và tối đa là 20 triệu USD, tính theo đơn vị chẵn 1 triệu USD.

Nếu chuyển đổi hết trái phiếu thành cổ phiếu, Rhinos sẽ trở thành cổ đông lớn của Dược Cửu Long với tỷ lệ sở hữu lên tới 24%. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì về việc chuyển đổi.

Hiện cổ đông lớn nhất của Dược Cửu Long là Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T với tỷ lệ sở hữu lên đến gần 75%.

Một "game" khác đến thời điểm hiện tại vẫn đang tiếp diễn là thương vụ Vinamilk thâu tóm GTNfoods. Sau nhiều diễn biến mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông kiểm soát tại GTNfoods và Vinamilk, đến nay, "nữ hoàng" ngành sữa đã thâu tóm được trên 40% cổ phần của công ty sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu.

Mặc dù Vinamilk chưa công bố đã bỏ ra bao nhiêu chi phí để thâu tóm lượng cổ phiếu "khủng" trên nhưng nhiều khả năng số tiền cao hơn nhiều mức giá chào mua công khai 13.000 đồng/cổ phiếu. Bởi chỉ riêng từ ngày 25/2 đến ngày 19/3, cổ phiếu GTN của GTNfoods đã tăng từ 11.700 đồng/cổ phiếu lên 20.050 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng gần gấp đôi. Từ đó đến nay, cổ phiếu GTN biến động tăng giảm thất thường nhưng tựu chung 6 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng tới 76%.

Cũng giữ mức tăng tới 76% trong nửa đầu năm là cổ phiếu PPC của Nhiệt điện Phả Lại. Doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực trong 2 năm gần đây với lợi nhuận trước thuế 1.003 tỷ đồng trong năm 2017 và 1.407 tỷ đồng trong năm 2018, tăng lần lượt 63% và 40% so với năm trước đó.

Cũng trong 2 năm gần đây, Nhiệt điện Phả Lại đã giảm mạnh nợ phải trả, từ mức 5.393 tỷ đồng hồi đầu năm 2017 (ngang vốn chủ sở hữu) xuống còn 2.071 tỷ đồng đầu năm 2018, tiếp tục giảm xuống chỉ còn 1.324 tỷ đồng đầu năm 2019 và đặc biệt là không còn nợ dài hạn.

Triển vọng phát triển của Nhiệt điện Phả Lại khá rộng mở khi Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt điện dài hạn. Thêm vào đó, việc tự do hóa ngành điện theo lộ trình hứa hẹn giá điện sẽ tăng khá mạnh trong vài năm tới. Cùng với đó, nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 với 4 tổ máy đều đã hết khấu hao, trong khi áp lực trả nợ thấp, đều là những yếu tố giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp này.

Hiện Nhiệt điện Phả Lại có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) với tỷ lệ sở hữu gần 51,92%, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) với tỷ lệ sở hữu 24,14% và Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity với tỷ lệ sở hữu 9,13%.

"Game" thâu tóm Vinamilk - Mộc Châu Milk giúp cổ phiếu GTN tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019

Với cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa, giữ mức tăng 75% trong nửa đầu năm nay, câu chuyện không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh tốt năm 2018 (lợi nhuận sau thuế tăng 95%) mà còn nằm ở câu chuyện bàn giao đất khu công nghiệp cho VSIP và Nam Tân Uyên, dự kiến nhận 1,3 tỷ/ha, giúp đảm bảo lợi nhuận sau thuế từ 2019-2021 không dưới 1.000 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 997 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm trước.

Cao su Phước Hòa hiện đang là cổ đông lớn sở hữu 32,85% cổ phần của Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) - một doanh nghiệp đang làm ăn rất tốt, giá cổ phiếu tăng rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây.

Một cổ phiếu ngành nước tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, lên đến 67%, là TDM của Nước Thủ Dầu Một. Không chỉ hưởng lợi từ triển vọng phát triển ngành nước - tài nguyên ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng cao, mà doanh nghiệp này còn sở hữu một "tài sản ngầm" là 38,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BWE). So với giá chào sàn, cổ phiếu BWE hiện đã tăng giá gần gấp đôi sau 2 năm.

Với trường hợp của Tập đoàn Công nghệ CMC, việc chào bán 25% cổ phần cho Samsung SDS là thông tin tích cực giúp cổ phiếu CMG tăng 63% trong nửa đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu NAF của Nafoods tăng 54% cùng thời gian nhờ triển vọng xuất khẩu chanh leo sang thị trường EU dưới sự hậu thuẫn của IFC - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, trong bối cảnh thuận lợi về thuế sau khi hiệp định EVFTA được ký kết.

Mặc dù sàn HoSE ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trên 50% nhưng so về mức tăng, "nhà vô địch" lại nằm ở sàn HNX, đó là cổ phiếu VCR của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex. Mức tăng trong 6 tháng qua lên đến gần 550%, nghĩa là tăng tới gấp 6,5 lần.

Sự tăng giá "phi mã" này xuất phát từ chiến lược mới của Vinaconex là muốn tập trung phát triển dự án khu đô thị Cái Giá - Cát Bà (Cát Bà Amatina). Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex là công ty con của Vinaconex, chuyên thực hiện dự án này.

Theo đánh giá của Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh, dự án khu đô thị Cái Giá - Cát Bà cùng với dự án Splendora là 2 dự án tiềm năng nhất của Vinaconex hiện tại, có thể đem về hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Trong bối cảnh dự án Splendora đang bị "tắc" do mâu thuẫn giữa các cổ đông, Vinaconex sẽ dồn lực vào dự án khu đô thị Cái Giá - Cát Bà.

Bên cạnh VCR, cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng ghi nhận mức tăng cao 64%, nhờ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tin mới lên