M&A

Cắt ‘bầu sữa’ với doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa

Sự thờ ơ của doanh nghiệp có vốn nhà nước, tâm lý níu giữ của một số bộ, ngành, cộng với những hạn chế trong định giá tài sản, kiểm toán, thủ tục IPO… đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm niềm tin với quá trình thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp này? Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trao đổi về vấn đề trên.

Cắt ‘bầu sữa’ với doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Những năm 2016 - 2017, thị trường, nhà đầu tư phản ứng rất tích cực với các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là khi Chính phủ công khai danh sách doanh nghiệp và thời gian thực hiện. Nhưng hiện tại, mọi việc đều chậm trễ?

Tôi muốn nhắc đến Diễn đàn M&A Việt Nam mà Báo Đầu tư tổ chức năm thứ 11, là kênh thông tin tốt để bên bán, bên mua gặp  nhau. Nhưng tại Diễn đàn kết thúc vài ngày trước, nhà đầu tư nước ngoài ở vai bên mua lộ diện rất nhiều, quan tâm nhiều, nhưng bên bán là các doanh nghiệp nhà nước đang trong diện cổ phần hóa, IPO, thoái vốn thì không thấy đâu. Đối tượng đặc biệt này của thị trường M&A dường như rất thờ ơ với việc tiếp cận nhà đầu tư vì nhiều lý do.

Thứ nhất, có thể họ còn đang bám vào “bầu sữa” nhà nước. Trước đây, các doanh nghiệp nhà nước vẫn trông chính vào các dự án đầu tư công, với nguồn đầu tư từ ngân sách hoặc sự bảo lãnh của Nhà nước. Hiện tại, nguồn này đã giảm đi, thậm chí không còn, nhưng các doanh nghiệp chưa tự thấy lực đẩy để phải đi tiếp xúc các nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội cho chính mình. 

Thứ hai, dù Chính phủ đang tạo áp lực để buộc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Song không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để niêm yết. Nhiều doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa hoạt động không hiệu quả, quản trị thiếu minh bạch, lãnh đạo doanh nghiệp không đủ năng lực, thậm chí né tránh nhiệm vụ, gây khó khăn trong nội bộ…, dẫn đến tình trạng sau khi cổ phần hóa, chất lượng hàng hóa không bảo đảm…

Thứ ba, có tình trạng doanh nghiệp muốn thâu tóm doanh nghiệp nhà nước để sau cổ phần hóa, thoái vốn, bán lại cho đối tác kiếm lời. Trường hợp này, chính doanh nghiệp muốn tham gia quá trình cổ phần hóa, thoái vốn gây ra những khó khăn để cản trở sự tham gia của các nhà đầu tư khác…

Ngoài ra, phải nhắc đến quy trình, thủ tục IPO còn quá xa với yêu cầu của thị trường…

Theo ông, bao giờ các doanh nghiệp này mới thấy cần phải chủ động đi tìm nhà đầu tư?

Phải “cắt dòng sữa mẹ” hoàn toàn để khối doanh nghiệp chưa cổ phần hóa hay còn vốn nhà nước phải bật lên, hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường, phải đối mặt cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp tư nhân.

Cần bắt đầu từ việc mở cửa các thị trường cho các doanh nghiệp tham gia. Nếu các doanh nghiệp có quyền tiếp cận các dự án đầu tư công như nhau, thì doanh nghiệp có vốn nhà nước buộc phải tìm cách để mạnh hơn, bằng quản trị theo chuẩn mực, bằng việc kêu gọi các nhà đầu tư để tăng quy mô doanh nghiệp… Nếu cơ hội cho doanh nghiệp nhà nước còn thiên lệch, sẽ không tạo sức ép thay đổi về chất trong hoạt động của khu vực này.

Tiếp theo, quá trình thoái vốn, cổ phần hóa phải nhanh hơn. Cần phải bàn giao các doanh nghiệp trong danh mục cổ phần hóa, thoái vốn về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các sở giao dịch chứng khoán, thay vì để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Các thủ tục thoái vốn, cổ phần hóa đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nếu để các bộ, ngành, thì thời gian thường kéo dài, chưa kể các doanh nghiệp thường có tâm lý chờ đợi, thậm chí đẩy trách nhiệm lên các bộ, ngành…

Ông thấy sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình thoái vốn, cổ phần hóa thế nào?

Nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lớn coi đây là cơ hội để vào thị trường nhanh hơn. Chính vì điều đó, họ coi trọng sự minh bạch trong thông tin, quản trị doanh nghiệp… và cả cơ hội sở hữu tỷ lệ vốn lớn để trực tiếp tham gia vào quản trị. Nhưng đây lại là một trong những điểm yếu của hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn. Tới đây, các quy định sẽ được sửa đổi, đảm bảo giải tỏa rào cản này.

Gần đây, một số doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã đánh mất dần sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Nguyên nhân là gì, thưa ông?

Tình hình kinh doanh sa sút của Habeco do nhiều yếu tố. Điểm yếu của Habeco không phải do lỗi của cơ cấu, mà do quản trị yếu kém. Thực trạng này đã kìm hãm Habeco phát triển.

Chủ sở hữu nhà nước rất muốn Habeco phát triển, nhưng quan trọng nhất là Habeco phải hoạt động thế nào, định vị thị trường thế nào... Trong khi đó, thương hiệu Habeco đi xuống và vài sản phẩm bia chưa bứt lên được, như dòng Trúc Bạch có giá quá cao so với thị trường, vài sản phẩm mới chần chừ chưa ra mắt. Đặc biệt, phân khúc bia hơi không bao giờ vươn ra khỏi Hà Nội…

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng thua lỗ khi nhà đầu tư Thái Lan mua xong và điều hành, nhưng ngay lập tức, họ định vị lại thương hiệu, thị trường. Bia Sài Gòn tràn ra Hà Nội, được đón nhận.

Habeco yếu nhất là chiến lược phát triển thương hiệu và ngân sách dành cho marketing rất thấp.

Tin mới lên