Bất động sản

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lỗ nặng, VIDIFI xin sớm được hoàn vốn 4.700 tỷ đồng

(VNF) - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội xin được nhận khoản tiền sử dụng đất của dự án Khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lỗ nặng, VIDIFI xin sớm được hoàn vốn 4.700 tỷ đồng

VIDIFI cho biết dự án Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư theo hình thức PPP, có tổng mức đầu tư 44.818 tỷ đồng, trong đó số vốn của nhà nước là 13.000 – 22.000 tỷ đồng.

Do ngân sách khó khăn nên nhà nước đã thực hiện đầu tư dự án Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo cơ chế thí điểm: phần tham gia vốn nhà nước vào dự án sẽ được trả dân bằng ngân sách và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.

Cụ thể, đối với chi phí bồi thường – giải phóng mặt bằng (khoảng 4.069 tỷ đồng), nhà nước đã đề nghị VIDIFI vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện; nhà nước sẽ trả sau trong khoảng 7 – 12 năm. Tiền lãi phát sinh của khoản tiền giải phóng mặt bằng này lũy kế đến hết năm 2018 là 3.800 tỷ đồng.

Đối với khoản vay nước ngoài 300 triệu USD, nhà nước không tham gia, hỗ trợ ngay từ đầu mà thực hiện hỗ trợ trả dần nợ gốc của các khoản này theo kỳ hạn tại hợp đồng vay từ 13 – 30 năm (tiền lãi vay vẫn do doanh nghiệp trả).

Đối với khu đô thị Gia Lâm – thành phố Hà Nội, Thủ tướng đã quyết định sẽ trích 4.723 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án này để hoàn vốn cho Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Số tiền này đã được 4 bộ ngành (Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước) thẩm định, trình Thủ tướng kèm theo Quyết định số 746/QĐ-TTg.

Nhờ cơ chế như trên nên trong điều kiện nhà nước khó khăn về ngân sách, dự án Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được thực hiện. Hiện nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã đi vào vận hành được 2 năm, góp phần giảm tải cho trục giao thông Hà Nội – Hải Phòng, thúc đẩy kinh tế các địa phương.

Tháng 5/2018, VIDIFI đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo, giải quyết và hướng dẫn thủ tục nhận nguồn tiền sử dụng đất của dự án khu đô thị Gia Lâm.

Theo VIDIFI, hiện dự án khu đô thị Gia Lâm đã hoàn thành giải phóng mặt băng, được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang chuẩn bị nộp tiền sử dụng đất. Do vậy, tổng công ty đề nghị Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, giải quyết và hướng dẫn để VIDIFI sớm nhận được số tiền sử dụng đất 4.723 tỷ đồng của dự án khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn dự án Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo đúng quyết định của Thủ tướng.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài xây dựng là 105,8 km, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Được phê duyệt năm 2008, tổng mức đầu tư của dự án là 24.566 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, tổng mức đầu tư đã lên đến 45.487 tỷ đồng, tăng khoảng 21.000 tỷ đồng, tức tăng gần 86% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Việc “đội vốn” này được lý giải là do tăng chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của VIDIFI, doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của 7 trạm thu phí dịch vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2017 chỉ đạt 1.258 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày đạt 3,4 tỷ đồng. Doanh thu thu phí dịch vụ tại 2 trạm thu phí Quốc lộ 5 trong năm 2017 đạt 832,9 tỷ đồng. Với tổng doanh thu thu phí toàn dự án đạt 2.091 tỷ đồng, tính bình quân, doanh thu mỗi ngày của đơn vị này đạt khoảng 5,7 tỷ đồng/ngày.

Trong khi đó, theo VIDIFI, mức thu này chưa tính các chi phí thu mà doanh nghiệp phải bỏ ra để vận hành 9 trạm thu phí cùng với công tác bảo trì 2 tuyến đường thuộc dự án. Hiện, nhà đầu tư đang phải trả khoảng 8 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày. Như vậy, số tiền thâm hụt mỗi ngày là 2,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 900 tỷ đồng/năm).

Tin mới lên