Diễn đàn VNF

Cần 'một vụ nổ lớn' để hình thành một trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam

(VNF) - Với tất cả những thiên thời, địa lợi, nhân hoà và với các kế hoạch bài bản đã được ấp ủ từ hơn một thập niên qua, TP. HCM hoàn toàn có khả năng và xứng đáng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế (IFC) của Việt Nam.

Cần 'một vụ nổ lớn' để hình thành một trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam

Fintech được dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi của các IFC trên toàn thế giới.

Trong tuyên bố mới đây về tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng rồi đây “Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển; dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới và khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác”. Bài viết dưới đây, tác giả luận bàn về chuyện hình thành IFC cho tầm nhìn này.

IFC - tại sao?

IFC chẳng những phục vụ dịch vụ tài chính cho các cư dân trong nước mà còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đó có thể là IFC mang tính toàn cầu, hoặc khu vực, hoặc chuyên biệt. IFC yêu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng vô cùng tinh vi, phức tạp, như hệ thống công nghệ thông tin, vận chuyển hàng không, dịch vụ tài chính kế toán, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.

Đây là điểm chú ý đầu tiên khi bàn về IFC Việt Nam. Sẽ rất không hiệu quả nếu IFC phân tán nhiều thị trường khác nhau trong cùng một quốc gia vì nó sẽ dẫn đến một cuộc đua xuống đáy.

Các khoản đầu tư trọng điểm chẳng những phát sinh ở nước chủ nhà, mà còn ở phạm vi toàn cầu. Chỉ có một vài định chế tài chính riêng lẻ thì khó thể thu xếp vốn và chia sẻ rủi ro, đặc biệt đối với những dự án đầy tham vọng như tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

IFC như là một thiên đường để tất cả các bên liên quan trên toàn thế giới tập họp trao đổi các ý tưởng huy động được các khoản tài chính khổng lồ toàn cầu để đáp ứng các nhu cầu vốn lớn, chẳng những cho nước chủ nhà, mà còn ở quy mô quốc tế.

Vai trò của các IFC đối với tăng trưởng kinh tế hầu như đã được khẳng định. Tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045 sẽ khó thành hiện thực, nếu không huy động được các khoản tiết kiệm toàn cầu từ IFC cho cơ sở hạ tầng thiết yếu trong tương lai.

Với sự phát triển của công nghệ 4.0, nhiều nghiên cứu cho thấy IFC chưa đánh mất vai trò quan trọng của mình. Có chăng, chúng sẽ chuyển sang một diện mạo mới. Đó cũng là thời cơ cho các quốc gia đến sau như Việt Nam.

IFC còn để khẳng định vị thế đang lên của Việt Nam

Vị thế đang lên của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, cùng với sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế sang các quốc gia có mức độ ổn định kinh tế chính trị trong bối cảnh bất định của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung càng là thời điểm thuận lợi để hình thành IFC. Nói cần có một IFC còn là khẳng định vị thế đang lên của Việt Nam trên trường thế giới.

Đó có phải suy nghĩ viển vông? Gần 20 năm trước, ngày 4/6/2001, trong một phát biểu trước Hội đồng Tiền tệ Singapore, Phó thủ tướng Lý Hiển Long lúc đó khẳng định ông sẽ làm mọi cách để IFC của đảo quốc này tạo ra sự thịnh vượng chẳng những cho dân tộc mình, mà còn cho cả khu vực. Đến nay, còn xa hơn cả kỳ vọng, IFC Singapore chỉ còn kém London và New York.

Với vị trí địa lý và tầm quan trọng đặc biệt, Việt Nam có quyền kỳ vọng, rồi đây, IFC tại xứ sở này chẳng những sẽ góp phần tạo sự thịnh vượng cho dân tộc Việt, cho toàn khu vực, mà còn đem lại hoà bình cho thế giới.

Không dám thật sự mở cửa và đa dạng hoá thì sẽ thất bại

IFC không phải là một cuộc chơi zero-sum game với người thắng, kẻ thua. Thế giới ngày nay hầu như luôn tìm thấy sự hợp tác giữa các quốc gia trong ngành công nghiệp tài chính và do đó là giữa các IFC với nhau. Qatar, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ đang kết hợp để khai thác tổng quy mô lên đến 2.000 tỷ USD lẫn nhau, tất cả đều cùng sử dụng một nền hệ thống và công nghệ (của Qatar).

IFC của Kazakhstan thì hợp tác với thành phố tài chính công nghệ quốc tế Gujarat của Ấn Độ (thành phố GIFT). Ngoài việc hợp tác, các IFC ra đời sau luôn dựa trên điều độc nhất của nước mình để làm đòn bẩy cho sự phát triển, như IFC Seoul dựa vào thế mạnh là các công ty điện tử.

IFC là một giải pháp 2 bên cùng thắng. Nhưng sẽ thua thật và thua lớn, nếu các IFC không thật sự dám mở cửa và đa dạng hoá. Năm 2018, Kazakhstan chính thức khai trương IFC Astana với tham vọng sẽ trở thành một trong top 30 IFC hàng đầu thế giới.

Năm 2017, Kazakhstan được cho là quốc gia thứ hai trên thế giới dám mở cửa và đa dạng hoá bằng việc nghiên cứu hình thành đồng tiền mật mã. Kazakhstan và IFC Astana đang có những bước đi vững chắc để điều chỉnh các quy định về các tài sản blockchain và một nền kinh tế mã hóa.

Kazakhstan biết mình không thể có được đồng tiền mạnh chuyển đổi như Nhật; không thể chiếm được cơ sở của Hồng Kông với ưu thế địa lý sát Trung Quốc. Họ chỉ còn duy nhất cách tiếp cận là tạo ra hầu như toàn bộ các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới cho IFC Astana. Tuy mới thành lập khoảng 1 năm, nhưng trong Báo cáo Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI 2019, số lần được nhắc đến của IFC Astana  là 20 trong 24 tháng.

Đây là ví dụ về cách tiếp cận thiết lập IFC theo lối dám nghĩ lớn, làm lớn. Nếu chúng ta không dám nghĩ lớn, làm khác biệt, mà chỉ việc dành ra một quỹ đất vàng tạo ra một trung tâm tài chính chỉ ở tầm quốc gia thì có nên? Có ngân hàng nội địa nào làm trụ sở với sự cô đơn và chi phí đắt đỏ ở đó.

Nếu lưỡng lự, tốt nhất không nên làm gì

Rất khó để nhận diện yếu tố nào là cốt lõi và bất biến để hình thành một IFC. Theo mô hình Anh, Mỹ hay Nhật, hoặc tiếp cận theo dạng thiết lập IFC trong một khu kinh tế đặc biệt (như Thượng Hải, Dubai, Ấn Độ)? Cho dù theo cách tiếp cận nào thì bài học thất bại từ các IFC tên tuổi sẽ là kinh nghiệm cho người đến sau.

Trước hết, cần lưu ý nếu chỉ có một tầm nhìn vượt thời gian thì vẫn chưa đủ. Hàn Quốc đã cho toàn thế giới thấy họ có một tầm nhìn vượt thời gian thế nào trong kế hoạch phát triển IFC. Tuy nhiên, cách triển khai quá thận trọng khiến IFC Seoul ngày càng tụt hậu so với Thượng Hải, Singapore.

Trong khi nhân dân tệ và đô-la Singapore từng bước chuyển đổi mạnh mẽ thành đồng tiền quốc tế thì won Hàn Quốc vẫn án binh bất động. Hoá ra, càng thận trọng với các rủi ro mơ hồ nào đó, Hàn Quốc càng gánh chịu thêm các rủi ro mới nghiêm trọng hơn (các quỹ đầu tư quốc tế rút lui, các công ty fintech giảm hoạt động).

Ở một thái cực khác, Nhật có đủ điều kiện mà nhiều IFC khác không có, nhưng IFC Tokyo xem ra đang dần mất sức cạnh tranh. Nghịch lý thay, đó là do Nhật chưa có một thị trường trái phiếu đa dạng hoá, cũng như thiếu các kế hoạch bài bản để phát triển ngành công nghệ tài chính...

Sự lưỡng lự của kẻ này là cơ hội không thể tốt hơn với kẻ khác. Tận dụng cơ hội không thể tốt hơn, Hội đồng Tiền tệ Singapore cam kết chi 225 triệu đô la cho các sáng kiến fintech. Hồng Kông cũng có sáng kiến tương tự. Trong thế giới mà các luồng tài chính vận động cực nhanh như ngày nay, lập tức có đến 122 công ty nước ngoài đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo chuyển sang các IFC Singapore, Hồng Kông, New York.

Những bài học thất bại về sự lưỡng lự của các nước cho thấy, nếu không dám đặt chiến lược phát triển IFC ở tầm quốc gia, xin đừng nói đến tầm nhìn xa vài chục năm, mà hãy cứ mãi lên các kế hoạch ăn đong từng năm theo tư duy nhiệm kỳ cho mọi thứ đều an toàn. Với câu thần chú ổn định vĩ mô, ta sẽ dễ dàng bác bỏ tất cả các ý tưởng đột phá.

Bài học về một thiết kế chi tiết đến từng dấu chấm, phẩy

Dám chơi lớn, nghĩ lớn, nhưng không thể chỉ là khẩu hiệu để rồi chuốc lấy sự thất bại. Quốc hội khóa XIII của nước ta đã thừa nhận mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã không thành hiện thực.

Nguyên nhân cốt lõi của sự thất bại này, như Chủ tịch Quốc hội nhận định, chính là sự mơ hồ trong các kế hoạch hành động. Tương tự, với các IFC, vấn đề càng tinh vi và phức tạp hơn nhiều, vì liên quan đến các rủi ro hệ thống.

Phát triển IFC cần được đặt ở tầm quốc sách, thể hiện trong việc chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sắp đến.

Có tầm nhìn dài hạn và ước mơ thôi cũng chưa đủ. Chúng đòi hỏi phải có một kế hoạch và chương trình hành động dài hạn chi tiết đến từng dấu chấm, phẩy. Và Thổ Nhĩ Kỳ là bài học đáng để tham khảo. Năm 2007, Thủ tướng nước này đã đưa ra một cam kết chính trị thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối của Chính phủ trong việc tạo ra một IFC đẳng cấp quốc tế.

Điều quan trọng nhất, các cam kết chính trị này thể hiện bằng một bản “kế hoạch chiến lược và hành động”, Chính phủ đã thành lập 9 nhóm công tác, với hơn 80 định chế công và tư, hơn 300 chuyên gia đóng góp vào bản kế hoạch này. Chúng chi tiết đến từng ngóc ngách của mọi vấn đề.

Tổng kết đến năm 2016, tuy chỉ mới khoảng 80% trong số 71 các chương trình hành động đã được thực thi, IFC Istanbul vẫn luôn nằm trong top hàng đầu toàn cầu, với sức mạnh kinh tế, quân sự luôn nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới, bất chấp bất ổn chính trị đang diễn ra.

IFC TP. HCM, cần một vụ nổ lớn

Nói gì thì nói, chúng ta vẫn phải thật tỉnh táo khi đặt vấn đề về IFC. Câu hỏi tối quan trọng duy nhất được đặt ra: “Có khả thi để tạo ra một trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế Việt Nam?”. Với tất cả những thiên thời, địa lợi, nhân hoà và với các kế hoạch bài bản đã được ấp ủ từ hơn một thập niên qua, TP. HCM hoàn toàn có khả năng và xứng đáng trở thành một IFC của Việt Nam.

Như đã đề cập, IFC ở các nước luôn là câu chuyện chính sách tầm quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có sự ủng hộ tuyệt đối từ Trung ương. Phát triển IFC cần được đặt ở tầm quốc sách, thể hiện trong việc chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sắp đến.

Trong khi chờ đợi sự lan toả từ các quyết sách, TP. HCM sẽ ngày càng bị tụt hậu xa dần. Trong khi đó, fintech được dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi của các IFC trên toàn thế giới. Phải chăng, điều này sẽ gợi ý về việc phát triển một IFC của Việt Nam, với TP. HCM là điểm đến lý tưởng để triển khai, bước đầu bằng việc tập trung vào lĩnh vực fintech.

Nói đến fintech là nói đến lập trình của các tài năng kiệt xuất vừa hiểu được mảng dữ liệu, vừa thông thạo các lĩnh vực tài chính. Tìm các tài năng thật sự trong fintech giống như đãi cát tìm vàng.

Nhưng liệu chúng ta chỉ hướng đến nguồn nhân lực của hơn 96 triệu dân (nội địa) hay là gần 8 tỷ dân (thế giới) cho giải pháp fintech? Sự linh hoạt của thị trường lao động là điều tương đối dễ xử lý nhất trong IFC, so với các vấn đề phức tạp khác như đồng tiền chuyển đổi hay tự do hoá dòng vốn.

Nhưng nếu điều dễ làm nhất, sử dụng nguồn nhân lực quốc tế, vẫn còn là một trở ngại lớn, IFC cho Việt Nam vẫn sẽ là câu chuyện bàn tiếp cho vài kỳ chiến lược phát triển của vài chục năm sau.

Một gợi ý khác, với những bất cập về thể chế hiện hành mà còn rất lâu nữa mới có thể khắc phục, có thể cần đến một cách tiếp cận theo kiểu một vụ nổ lớn (Big Bang). Thiết lập IFC trong một đặc khu kinh tế đặc biệt tại TP. HCM với những chuẩn mực đẳng cấp quốc tế cao nhất, tại sao không?

Tin mới lên