Công nghệ

'Cần hết sức thận trọng với hoạt động đầu tư bất động sản thông qua blockchain'

(VNF) - Ngày 2/11, tại tọa đàm "Công nghệ số trong gọi vốn cho các dự án bất động sản", các diễn giả đã đặt ra nhiều vấn đề về hình thức đầu tư, huy động vốn mới cùng những vấn đề về khung pháp lý, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư bất động sản thông qua blockchain.

'Cần hết sức thận trọng với hoạt động đầu tư bất động sản thông qua blockchain'

'Cần hết sức thận trọng với hoạt động đầu tư bất động sản thông qua blockchain'

Theo nhiều chuyên gia, bất động sản là những tài sản có giá trị lớn, kênh đầu tư được nhiều người quan tâm, do đó chỉ những nhà đầu tư có khả năng về tài chính mới có cơ hội tham gia đầu tư.

Do vậy, việc “chẻ nhỏ” giá trị của các bất động sản thành từng “miếng” để ai cũng có thể tham gia đầu tư thông qua các ứng dụng công nghệ được nhiều người quan tâm.

Việc tham gia của nhiều người vào một thị trường giúp tạo nên sư minh bạch hơn, cùng nhau kiểm soát quá trình đầu tư, chuyển từ xu hướng tập trung sang phi tập trung để hạn chế lây lan dịch bệnh trong bối cảnh như dịch Covid-19 vừa qua…

Bên cạnh những xu hướng tích cực thì mô hình này cũng có một số hạn chế như chỉ phù hợp với giới trẻ khi họ thông thạo về công nghệ, kiến thức nền tảng kỹ thuật số cũng như các vấn đề liên quan chưa được phố biến rộng rãi trong người dân; kiến thức xã hội, cơ chế đồng thuận cũng còn nhiều cách biệt, hạn chế…

Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đặt ra những tình huống pháp lý của mô hình này. Trên thực tế, mô hình này mới hình thành ở thị trường Việt Nam, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, khung pháp lý về kinh doanh bất động sản khi số hóa chưa được đề cập… do đó khi rủi ro, tranh chấp xảy ra sẽ không biết xử lý như thế nào, có được pháp luật thừa nhận.

Theo TS. Đinh Thị Thu Hồng, Trưởng Khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, việc gọi vốn cho các dự án bất động sản thông qua công nghệ số là mô hình kinh doanh sáng tạo. Hiện tại Việt Nam hoàn toàn chưa có bất kỳ quy định pháp lý nào cho công tác gọi vốn cho các dự án bất động sản bằng các ứng dụng công nghệ như: chuỗi khối (blockchain) hay gọi vốn cộng đồng (crowd-funding).

Theo TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật Thương mại - Trường ĐH Luật TP. HCM, hiện tại đã có một số đơn vị triển khai huy động vốn thông qua công nghệ token…  với 3 mô hình chính là: hợp đồng hợp tác kinh doanh; đồng sở hữu; quỹ đầu tư kinh doanh bất động sản. 

Theo ThS. Nguyễn Triều Đông, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, token hóa là một bước tiến hóa tự nhiên của chứng khoán hóa, tạo ra cơ hội minh bạch thông tin… Nhà đầu tư chỉ cần có số vốn rất ít để tham gia đầu tư bất động sản. Cơ chế giao dịch mô hình đầu tư này rất linh hoạt, nhanh chóng và không cần trung gian dựa vào hợp đồng thông minh. Nhờ đó sẽ giảm thiểu chi phí, giảm tối đa các thủ tục hành chính để chuyển giao quyền sở hữu bất động sản…

Thách thức của mô hình đầu tư này vẫn là tính pháp lý, nền tảng kỹ thuật khi triển khai công nghệ, xử lý các vấn đề tranh chấp giữa chủ thể nắm giữ token và vấn đề xung đột tiềm tàng. Ngoài ra, còn có các vấn đề thuế giao dịch… 

GS TS. Trần Ngọc Thơ cho rằng vấn đề hiện tại là chính quyền nhìn nhận như thế nào về tài sản kỹ thuật số, tài sản mã hóa, khi chưa có hành lang pháp lý, việc một số doanh nghiệp triển khai là lách luật hay vi phạm pháp luật… Do vậy cần hết sức thận trọng cho vấn đề này, về lâu dài cần có sự thảo luận rất kỹ từ các chuyên gia, nhà làm luật cũng như ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp giúp hoàn thiện khung pháp lý để từ đó có thể thực hiện thí điểm.

Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2020, câu chuyện đầu tư bất động sản chia nhỏ trên nền tảng công nghệ dần được quan tâm hơn, đặc biệt là việc tận dụng hệ thống blockchain.

Tin mới lên