Bất động sản

‘Cái gai’ trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long -Nội Bài và 'tai tiếng' Vietracimex

(VNF) - “Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài là điển hình cho sự thu phí bất hợp lý. Kiểu làm đường một nơi, thu phí một nẻo là không thể chấp nhận”, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định.

‘Cái gai’ trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long -Nội Bài và 'tai tiếng' Vietracimex

BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài là điển hình của sự vô lý, làm đường một nơi, đặt trạm thu phí một nẻo

Trạm thu phí... "nhầm chỗ"

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn được bàn giao cho Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 thuộc Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đáng chú ý, điểm đặt trạm không nằm tại đường tránh thành phố Vĩnh Yên, mà đặt trên đường độc đạo Bắc Thăng Long – Nội Bài (mãi đến năm 2015 Hà Nội mới hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Nhật Tân).

“Ngót 8 năm, Vietracimex được thu phí ngay tại cửa ngõ sân bay đối với khách du lịch, hành khách đi sân bay Nội Bài, nhân dân huyện Sóc Sơn nhưng đa phần các xe này không đi đường tránh Tp. Vĩnh Yên vẫn buộc phải nộp phí, điều này là hết sức vô lý”, ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.

Trước bức xúc đó, UBND Tp. Hà Nội đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét giải tỏa Trạm thu giá trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài.

“Đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạnh nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - hình ảnh của đất nước. Du khách quốc tế vừa đến Việt Nam đã phải trải qua nhiều lần thu phí là hình ảnh không đẹp. Hơn nữa, trạm thu phí cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường”, công văn của UBND Hà Nội nêu rõ.

Chây ì vì lợi nhuận “khủng”

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dù nhiều lần bị kiến nghị di dời, nhưng dự án vẫn cố tình chây ì vì mức lợi nhuận thu được rất lớn.

Được biết, dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có tổng mức đầu tư khoảng hơn 615 tỷ đồng, trong đó vốn của doanh nghiệp (DN) là 530 tỷ đồng và vốn hỗ trợ của Nhà nước gần 85 tỷ đồng.

Theo Hợp đồng BOT được Bộ GTVT ủy quyền cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký với nhà đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm, 10 tháng. Trong đó, thời gian thu phí hoàn vốn là 12 năm 10 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2011 và thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho DN là 4 năm.

Hiện, mức thu tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài từ 10.000 - 80.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tháng 7/2016, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu được hơn 4,9 tỷ đồng; tháng 8 thu hơn 5,5 tỷ đồng và tháng 9/2016 thu xấp xỉ 6 tỷ đồng.
Căn cứ trên số liệu đó có thể tính bình quân mỗi tháng trạm này thu về khoảng 5,4 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu đạt 64 tỷ đồng.

Hết 12 năm 10 tháng thu phí hoàn vốn, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài có thể đạt hơn 800 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu của DN chỉ hơn 530 tỷ đồng (đó là chưa kể lưu lượng xe tăng nhanh trong thời gian qua). Lợi nhuận ngay trong kỳ thu hoàn vốn đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đến thời gian 4 năm DN được thu phí tạo lợi nhuận có thể kiếm thêm khoảng 250 tỷ đồng nữa.

Các chuyên gia đánh giá, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài là "con gà đẻ trứng vàng", giúp nhà đầu tư lãi ròng gấp nhiều lần khoản vốn bỏ ra ban đầu.

Phải sớm di dời trạm thu phí về QL2

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, việc duy trì trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài là một sự vô lý không thể chấp nhận được, thời gian thu phí kéo quá dài so với số vốn bỏ ra của nhà đầu tư; lưu lượng xe qua trạm này lại vô cùng đông. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xem xét lại vấn đề này.

Còn chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm chia sẻ, “đường lên sân bay người dân đã đóng đủ các loại phí cần thiết. Mà đường này xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, giờ lại đè người dân ra thu phí để hoàn vốn cho dự án khác là không được”

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ cho di dời trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về gộp vào trạm thu phí trên QL2 hoặc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền thu phí nhưng chưa được chấp thuận. 

Tuy nhiên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nếu Bộ GTVT muốn dư luận đồng tình và muốn cho các vấn đề của các trạm BOT hiện nay được giải quyết dứt điểm thì phải dẹp bỏ ngay Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài cũng như các trạm thu phí sai vị trí khác.

"Nhân cơ hội này, Bộ GTVT cần sắp xếp lại các trạm BOT, làm sao đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, hợp lòng dư luận. Những trạm BOT sai thì phải kiên quyết gỡ bỏ mới nghiêm pháp luật được. Đã sai rồi mà không sửa thì không nên. Không nên lấp liếm như thế khiến dư luận càng nghi ngờ, càng phản ứng” - ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý Tracimexco ‘xé rào’ bán trụ sở

Trong công văn số10435/VPCP - CN, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND TP.HCM xác định sai phạm trong việc Tracimexco bán cơ sở nhà, đất số 22 - Phan Đình Giót, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, trong Công văn số 11412/BTC - QLCS ngày 19/9/2018 gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất hướng xử lý vụ việc Tracimexco tự ý “xé rào”, bán trụ sở hy hữu, cách đây gần 10 năm, Bộ Tài chính đã bảo lưu quan điểm xử lý nghiêm vụ việc.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT (là cơ quan chủ quản của Công ty Tracimexco tại thời điểm để xảy ra việc bán cơ sở nhà, đất chưa đúng quy định) chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM xem xét, thực hiện việc hủy kết quả bán đấu giá và thu hồi lại cơ sở nhà, đất số 22 - Phan Đình Giót. Tracimexco có trách nhệm thực hiện xử lý quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan đến việc nhận chuyển nhượng cơ sở nhà, đất tại số 22 - Phan Đình Giót.

“Sau khi thực hiện thu hồi cơ sở nhà, đất nêu trên, Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp với SCIC (đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tracimexco từ 26/4/2017) lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất số 22 - Phan Đình Giót theo Nghị định số 167/2017/NĐ - CP về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề xuất.

Được biết, lô đất mặt tiền rộng 365 m2 tại số 22 - Phan Đình Giót từng là trụ sở của Tracimexco từ năm 1999 đến năm 2010. Đây là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, kho bãi, lắp ráp ô tô và xuất khẩu lao động được Bộ GTVT tiến hành cổ phần hóa năm 2014, với số vốn điều lệ là 237 tỷ đồng.

Với lý do trụ sở 22 - Phan Đình Giót nằm trong quy hoạch là biệt thự nhà ở chỉ được phép xây dựng thấp tầng, không phù hợp làm văn phòng, nên để đáp ứng yêu cầu phát triển, Hội đồng Quản trị Tracimexco đã quyết định chuyển nhượng căn nhà này để lấy vốn xây dựng tòa văn phòng khác phù hợp hơn.

Trên cơ sở kết quả thẩm định giá của Công ty cổ phần Bất động sản Togi - chi nhánh TP.HCM, ngày 29/12/2008, Hội đồng Quản trị Tracimexco đã phê duyệt phương án chuyển nhượng và giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản là 23,733 tỷ đồng.

Thương vụ bán trụ sở này hoàn tất vào tháng 2/2009. Thông qua Công ty cổ phần Bán đấu giá tài sản Lam Sơn, lô đất và nhà tại 22 - Phan Đình Giót đã thuộc về bà Vương Thị Mai Vinh với giá trúng đấu giá là 23,779 tỷ đồng. Tracimexco đã sử dụng số tiền này này để mua khu đất số 36 - Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) và chuyển đến vào năm 2013. Năm 2014, trụ sở nhà đất tại 36 - Bạch Đằng được Tracimexco đưa vào giá trị doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần.

Trao đổi với Vietnam Finance, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Tracimexco đã thừa nhận việc bán cơ sở nhà đất trên là không đúng với Quyết định số 09/2007/QĐ - TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Bộ GTVT đã có công văn số 6769/BGTVT - TC ngày 25/6/2018 gửi Bộ Tài chính về vấn đề này.

Đánh giá về tính pháp lý của việc Tracimexco bán nhà, đất tại 22 - Phan Đình Giót, UBND TP.HCM cho biết, khi thực hiện bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Tracimexco không thực hiện đúng Quyết định số 09, khi không thông qua Sở Tài chính thẩm định giá trình UBND TP.HCM phê duyệt giá khởi điểm. Do không được báo cáo nên UBND TP.HCM không có các hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thẩm định giá và phê duyệt giá khởi điểm, cũng như không công nhận kết quả này.

Tin mới lên