Thị trường

Cải cách ngành giáo dục: Mới tắm đến thắt lưng

(VNF) – Ngành giáo dục đã có những thay đổi quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư trong giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những cải cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đạt được sự nhất quán cần thiết.

Cải cách ngành giáo dục: Mới tắm đến thắt lưng

Ngành giáo dục đã có những thay đổi quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư trong giáo dục

Những điểm sáng của ngành giáo dục

Năm 2018, ngành giáo dục có hai nghị định quan trọng là Nghị định 135 và Nghị định 86. Hai nghị định này đã đơn giản hoá khá nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ cắt giảm, cải cách ở hai nghị định này là rất đáng kể, không chỉ dừng lại ở những vấn đề hình thức mà đã thực sự đi vào những yêu cầu bất hợp lý gây vướng mắc lớn trong thời gian qua.

Cụ thể, Nghị định 135 đã đơn giản hoá về thành phần hồ sơ và giảm thời gian thực hiện tất cả các thủ tục hành chính; bãi bỏ nhiều điều kiện định tính như “đủ nguồn lực tài chính”, “đáp ứng nhu cầu gửi trẻ em của các gia đình”; giảm bớt yêu cầu về số lượng phòng học bắt buộc của trường tiểu học, cho phép các trường có thể sử dụng một phòng vào nhiều mục đích khác nhau, không nhất thiết phải có tất cả các phòng riêng cho mỗi mục đích giảng dạy/giáo dục.

Nghị định này cũng bãi bỏ nhiều điều kiện hoạt động không cần thiết đối với loại hình trung tâm tin học, ngoại ngữ (ví dụ: phải có kế toán, thủ quỹ, số lượng giáo viên, giáo trình, tài liệu, thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành…); bãi bỏ điều kiện về vốn 2 tỷ đồng đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; bãi bỏ điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tư vấn du học

Đối với Nghị định 86, các điểm sáng nổi bật của nghị định này là: không yêu cầu giảng viên phải có bằng cấp phù hợp với chuyên ngành giảng dạy mà chỉ cần phù hợp với nhóm ngành; cho phép cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thuê cơ sở vật chất (không bắt buộc phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất); bãi bỏ điều kiện 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên nước ngoài tại các trường mầm non và phổ thông; nới rộng tỷ lệ các trường có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp nhận học sinh Việt Nam từ mức 10%, 20% lên mức 50%; bãi bỏ điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

“Tắm” chưa kĩ

Tuy nhiên, hai nghị định nêu trên vẫn còn những điểm đáng tiếc. Một là điều kiện về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục (vốn được quy định tại Nghị định 46/2017 và Luật Giáo dục) vẫn chưa được bãi bỏ triệt để trong Nghị định 135.

Hai là Nghị định 86 vẫn giữ quy định về 2 thủ tục gia nhập thị trường trong lĩnh vực giáo dục: thủ tục cấp phép thành lập và thủ tục cấp phép hoạt động. Trình tự thủ tục như vậy rất khác so với các lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện khác khi mà các doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một thủ tục là cấp phép đủ điều kiện kinh doanh (tương đương với thủ tục cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục).

Ngoài ra, mô hình tổ chức “pháp nhân trong pháp nhân” cũng chưa được Nghị định 86 xử lí triệt để. Mô hình “pháp nhân trong pháp nhân” là khi đầu tư vào giáo dục, nhà đầu tư cần thành lập trường, là một pháp nhân; để thành lập trường lại cần thành lập doanh nghiệp, cũng là một pháp nhân. Như vậy quy trình này dẫn tới hệ quả là pháp nhân trường nằm trong pháp nhân doanh nghiệp. Điều này tạo ra sự chồng chéo về cơ cấu tổ chức giữa hai pháp nhân (như đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc, hiệu trưởng, hội đồng trường…), không rạch ròi về địa vị pháp lý như quyền sở hữu tài sản, tư cách chủ thể giao kết các hợp đồng trở nên rất phức tạp.

Một điều đáng tiếc hơn nữa là Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn duy trì sự can thiệp đáng kể vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Nếu như tại Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018, Bộ đã cho phép các trường ngoài công lập được tự quyết định tiêu chí bổ nhiệm hiệu trưởng thì đối với các hình thức giáo dục khác, Bộ lại đang can thiệp khá sâu vào việc quyết định người đứng đầu.

Cụ thể, Điều 6, Thông tư 21/2018 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm tin học, ngoại ngữ đã yêu cầu giám đốc trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục phải: có nhân thân tốt, có năng lực quản lý, có bằng cấp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; nhiệm kỳ của giám đốc là 5 năm và phải được Sở giáo dục và Đào tạo công nhận.

Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp, quy định này của Bộ Giáo dục & Đào tạo còn trao quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá nhân thân, năng lực quản lý, kinh nghiệm của một giám đốc trung tâm. Đó là chưa kể đến việc quy định này đặt ra thêm một thủ tục hành chính mới (công nhận giám đốc trung tâm) ở cấp thông tư, một điều đã bị cấm tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Một ví dụ khác là Thông tư 16/2018 quy định về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư này quy định một cơ chế chung áp dụng cho cả tài trợ cho các cơ sở giáo dục công lập và tài trợ cho cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Điều này là bất hợp lý ở nhiều khía cạnh. Đối với các cơ sở giáo dục công lập, các khoản tài trợ cho nhà trường được coi là công sản và cần có quy định tương đối rõ về việc tiếp nhận, xử lý tài sản để bảo đảm tránh thất thoát, tham nhũng, kém hiệu quả. Nhưng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đây được coi là một quan hệ tặng cho thuần tuý dân sự; vai trò của nhà nước lúc này không cần lo ngại nguy cơ thất thoát, tham nhũng, sử dụng kém hiệu quả mà chỉ cần bảo đảm tránh việc các cơ sở giáo dục lợi dụng việc đóng góp, tài trợ để thu thêm từ các phụ huynh, học sinh.

Rõ ràng nguy cơ và mức độ rủi ro với lợi ích xã hội ở hai trường hợp là khác nhau. Việc đặt chúng trong cùng một cơ chế quản lý vừa không cần thiết, không hợp lý vừa có thể làm giảm hiệu quả của các hoạt động liên quan.

Thực tế cho thấy trong các năm qua, cùng với sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thành lập nhiều hơn, mang lại nhiều sự thay đổi trong dịch vụ giáo dục của Việt nam. Đằng sau đó là sự gia tăng mạnh về nhu cầu đối với dịch vụ giáo dục cũng như năng lực chi trả cho dịch vụ giáo dục ở Việt Nam.

Theo một điều tra năm 2016 của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ lệ chi cho giáo dục của mỗi hộ gia đình Việt Nam lên đến 34,7% và nhu cầu dịch vụ giáo dục chất lượng cao ngày càng tăng. Thống kê của Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VBF) năm 2015 cho biết có hơn 110.000 học sinh Việt nam du học tại 47 quốc gia với tổng chi phí gần 3 tỷ USD.

Trước sự phát triển của cung và cầu trên thị trường dịch vụ giáo dục, nhiều quy định pháp lý về giáo dục, vốn được thiết kế cho các trường công trước đây, đã trở nên lạc hậu và cần phải sửa đổi, điều chỉnh. Những vướng mắc nêu trên rất cần được ngành giáo dục tiếp tục tháo gỡ để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển giáo dục nước nhà.

Tin mới lên