Diễn đàn VNF

Cải cách khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn

Đó là đề xuất của các chuyên gia về giải pháp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt kết quả tốt như năm vừa qua.

Cải cách khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn

Năm 2019, Chính phủ cần cải cách khu vực tư nhân mạnh hơn nữa. Ảnh: Đ.N.T

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2018 đã tạo đà tăng trưởng cho năm nay bởi một số thuận lợi như việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ mang lại tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Thiết lập mối quan hệ sòng phẳng với Trung Quốc

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính, cho rằng từ đà phát triển khá ổn định của năm 2018, kinh tế Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong phát triển năm 2019. Đặc biệt, việc kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 14 - 15% là rất tốt cho môi trường đầu tư.

“Nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hiện tại, nhà đầu tư ngoại có tâm lý tin tưởng vào một Việt Nam đang có giải pháp dài hạn cho kinh tế vĩ mô. Từ đây, kích thích đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào nhiều hơn. Thâm hụt ngân sách trong năm qua cũng giảm, chỉ tiêu nợ công nằm trong mức kiểm soát được trong bối cảnh GDP tăng, rõ ràng là có nhiều thuận lợi cho kinh tế 2019”, TS Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng chứng khoán toàn cầu có một số dấu hiệu tạo “xúc tác” không nhỏ cho các nhà đầu tư công nghệ mới, đặc biệt đầu tư vào khởi nghiệp mà khu vực Đông Nam Á đang là “vùng trũng” ổn định nhất, có tiềm năng thu hút nhà đầu tư ngoại, trong đó có Việt Nam.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam được đánh giá là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi các đơn hàng đang tăng lên và tác động tích cực tới tăng trưởng trong năm nay. Đặc biệt, các dòng vốn đang rời Trung Quốc mang tới cơ hội cho Việt Nam.

Xét về mặt vĩ mô, đây là cơ hội lớn để thay đổi cách thức phát triển của Việt Nam, thiết lập mối quan hệ sòng phẳng hơn với Trung Quốc... Ông Thiên cũng cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo nền tảng để tăng trưởng, tạo cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng trưởng bền vững mới quan trọng. Trong 2 năm tới, nếu tận dụng hiệu quả của CPTPP và chi tiêu ngân sách hiệu quả, giảm chi thường xuyên, Chính phủ quyết liệt hơn, tăng trưởng GDP năm 2019 rất có thể lên mức kỷ lục 7,06%.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc nếu các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và Việt Nam - EU chính thức được thông qua.

Cần lưu ý, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội vô cùng lớn trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước.

Phải khơi nguồn lực từ kinh tế tư nhân

Đó là một trong những nội dung các chuyên gia đề cập khi băn khoăn nền kinh tế Việt Nam còn quá phụ thuộc vào nước ngoài. TS Phạm Thế Anh nói: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa DN nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ và duy trì khu vực DN nhà nước vốn dĩ không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN và cố gắng ổn định hơn nữa môi trường vĩ mô”.

Trước đó, trong phần kiến nghị, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ năm 2019 phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018, song Chính phủ phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn nữa.

Tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản gồm: vướng mắc triển khai dự án lớn, trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân, khó khăn của DN đầu tư vào nông nghiệp và nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội. Tính toán của tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 - 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trong phần chia sẻ về triển vọng kinh tế 2019, tuy có những “thoáng lo âu” vì thành tích của năm 2018 chủ yếu do khu vực đầu tư nước ngoài làm nên, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Đại học Fulbright, cũng dự báo năm 2019 có thể sẽ khác, khi khu vực tư nhân trong nước bắt đầu trỗi dậy, dù mới bắt đầu ở những đốm lửa nhỏ.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam muốn giữ phong độ phát triển và tạo đà đi lên nữa, dứt khoát phải tháo gỡ mạnh các thủ tục hành chính đang “bó buộc” khu vực tư nhân; phải hỗ trợ để khu vực này tăng trưởng mạnh hơn, trước mắt bù vào khu vực đầu tư công không mấy hiệu quả; về lâu dài để giảm bớt phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, muốn giảm lệ thuộc tăng trưởng nhờ nước ngoài, phải có chiến lược dài hạn. Trong đó, Chính phủ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba cải thiện môi trường kinh doanh lên mức trung bình khu vực và đưa được khu vực tư nhân làm động lực mới cho tăng trưởng. Việt Nam là một trong những quốc gia khai thác khá hiệu quả FDI, chiến lược giảm lệ thuộc cần dài hơi nhưng điều đó không có nghĩa là phụ thuộc vào họ năm này qua năm khác mãi vậy được.

Tin mới lên