Diễn đàn VNF

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Áp lực là động lực cho thực thi nhiệm vụ'

Bên thềm năm mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ về những thành tựu đã đạt được và những trải lòng trước khó khăn thách thức đang chờ đợi vị Tổng tư lệnh cùng ngành công thương khi chinh phục đỉnh cao mới trong năm 2019.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Áp lực là động lực cho thực thi nhiệm vụ'

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

- Nhìn lại kết quả năm 2018 của ngành công thương, điều gì khiến Bộ trưởng hài lòng nhất và điều gì còn trăn trở?

Ông Trần Tuấn Anh: Năm 2018, ngành công thương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế chung của đất nước. Điều đáng mừng hơn là tất cả các chỉ tiêu kế hoạch của ngành công thương đều đạt và vượt so với mức được Chính phủ giao.

Không những thế, Bộ Công Thương còn là Bộ đi đầu về hoàn thành cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh cũng như chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đây sẽ là tiền đề tốt để Bộ tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm 2019 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Do đó, năm 2019 Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp. Hơn nữa, đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA, ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với khai thác, phát huy vai trò thị trường trong nước.

Đồng thời bảo đảm cân đối xuất, nhập khẩu; phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,2% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 2% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn các FTA then chốt, tập trung vào FTA với EU (EVFTA). Cùng đó, nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.

- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, căng thẳng trong quan hệ chính trị, thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ tạo ra những thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay?

Việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới. Đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

Tuy vậy, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.

Hơn nữa, yếu tố căng thẳng về địa chính trị và chính sách tiền tệ thắt chặt diễn ra sớm hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế, phản ánh tính thận trọng của các nước trước dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Trước thực tế này, thời gian qua Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp căn cơ nhằm giảm rủi ro từ sự tập trung thương mại vào các đối tác lớn.
Đặc biệt, phát triển thị trường xuất nhập khẩu được hết sức coi trọng và đạt kết quả tích cực. Ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc thì thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN là những đối tác thương mại lớn và tăng trưởng nhanh.

Cùng với đó, bên cạnh việc khai thác tốt thị trường trong nước và phát triển thị trường xuất khẩu, Bô Công Thương còn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo đòn bẩy để gia tăng sản xuất, kích cầu tiêu dùng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt.

- Với vai trò là người đứng đầu của một siêu Bộ cùng nhiều áp lực trên vai như áp lực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có sự chuyển mình để đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng cho biết những áp lực này sẽ được Bộ trưởng hiện thực hóa bằng những mục tiêu cụ thể nào trong thời gian tới?

Đúng là có nhiều áp lực đặt ra cho một Bộ được Chính phủ giao theo dõi, quản lý trong nhiều lĩnh vực, phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những áp lực đó là yêu cầu, là mục tiêu, là động lực cho quá trình thực thi nhiệm vụ của ngành công thương.

Trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu ngành công thương, Bộ Công Thương phải lấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá cuối cùng trong hoạt động của ngành.

Mục tiêu chung là như vậy nhưng cụ thể hóa ra thì rất nhiều. Do đó, với từng lĩnh vực, từng mảng việc đều phải được triển khai theo các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, có khả năng lượng hóa, đánh giá được kết quả, hiệu quả thực hiện. Đặc biệt, phải xác định được trách nhiệm của đơn vị, cá nhân cụ thể trong việc triển khai thực hiện các công việc đó.

Năm 2019 và những năm tiếp theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành công thương rất nặng nề. Chính vì vậy, với các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, ngành công thương đã và sẽ luôn nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành và vượt mức đề ra.

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý, Bộ Công Thương sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính ngay từ khi dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh cung cấp cả về số lượng và chất lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, Cơ chế một của quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Không dừng lại ở đó, Bộ sẽ tập trung nguồn lực thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương.

Hơn nữa, Bộ tiếp tục rà soát, đánh giá triệt để việc phân cấp quản lý nhà nước với chính quyền địa phương cấp tỉnh; chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Bộ Công Thương chỉ tập trung vào khâu hoạch định thể chế, chính sách, thanh kiểm tra và quản lý đối với các công việc, dịch vụ công vượt quá thẩm quyền của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin mới lên