Tiêu điểm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Chỉ riêng việc thoát bẫy thu nhập trung bình cũng đã là thách thức’

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Chỉ riêng việc thoát bẫy thu nhập trung bình cũng đã là thách thức’

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Sáng nay (19/9), tại Trung tâm hội nghị quốc gia, diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển lần thứ hai năm 2019 (VRDF 2019) đã diễn ra với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã điểm lại những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong các năm qua. Cụ thể, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD.

Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển. 

“Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.

“Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua ‘bẫy thu nhập trung bình’ đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng có 2 câu hỏi lớn đang được đặt ra: một là phải lựa chọn những ưu tiên gì để thực hiện, vì nguồn lực của chúng ta luôn có hạn; hai là cần hành động thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra?

Tiếp lời Bộ trưởng, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho hay có hai lĩnh vực cải cách quan trọng đối với Việt Nam và đóng góp vào việc xây dựng lộ trình phát triển của Việt Nam trong thập kỷ tới.

Lĩnh vực cải cách thứ nhất là tìm cách giải quyết một điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại, vốn quá phụ thuộc vào tích lũy nhân tố với sự đóng góp để tăng năng suất còn hạn chế.

Lĩnh vực cải cách thứ hai liên quan đến các thể chế “thị trường”. Mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước, đảm bảo cạnh tranh tích cực.

Tin mới lên