Tài chính

Bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán mua gì từ đầu năm 2018?

(VNF) – Các công ty chứng khoán tiếp tục duy trì kỳ vọng xa hơn cho những VIC, VNM, HPG, FPT và nhóm ngân hàng. Đáng chú ý nhất về mặt tổng khối lượng giao dịch là 3 trường hợp của VIC, HPG và VNM khi cả hai chiều mua bán đều đạt giá trị khá vượt trội so với các cổ phiếu khác trong bảng xếp hạng.

Bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán mua gì từ đầu năm 2018?

Bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán mua gì từ đầu năm 2018?

5 tháng đầu 2018 là khoảng thời gian chứng kiến biến động khó lường của thị trường chứng khoán Việt Nam, với hai lần điều chỉnh khốc liệt. Đây là rủi ro, cũng là cơ hội khi nhiều cổ phiếu về với mức giá đủ hấp dẫn về dài hạn.

Những thống kê dưới đây cũng cho thấy không ít cổ phiếu vẫn được mua ròng khá mạnh từ bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán, nơi có đầy đủ nghiệp vụ phân tích và đầu tư chuyên nghiệp, bài bản.

10 cổ phiếu được các bộ phận tự doanh mua nhiều nhất trong năm tháng đầu năm. Nguồn: Fiin Pro

Cái tên đầu bảng khá bất ngờ lại là GEX với việc được mua ròng 360 tỷ. Một cái tên ít được chú ý cũng xuất hiện trong top 10 là VNS của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khi được tự doanh Công ty Cổ phần Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) mua vào hơn 7,2 triệu cổ phiếu. Phần còn lại của top 10 hoàn toàn thuộc rổ VN30, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.

Đây đồng thời cũng là nhóm cổ phiếu đã điều chỉnh khá mạnh, kéo theo nhịp giảm của thị trường trong hai tháng vừa qua.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, nếu tính tổng quan 5 tháng đầu năm, tự doanh các công ty chứng khoán vẫn nghiêng về chiều mua. Điều này cũng phần nào cho thấy họ tiếp tục duy trì kỳ vọng xa hơn cho những VIC, VNM, HPG, FPT và nhóm ngân hàng.  Đáng chú ý nhất về mặt tổng khối lượng giao dịch đó là 3 trường hợp của VIC, HPG và VNM khi cả hai chiều mua bán đều đạt giá trị khá vượt trội so với các cổ phiếu khác trong bảng xếp hạng.

5 cổ phiếu bị bộ phận tự doanh bán nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm. Nguồn: Fiin Pro

Ở chiều hướng ngược lại, top 5 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong danh sách này cũng xuất hiện 2 cái tên trong nhóm VN30 đó là CII và PLX. Đứng đầu top bán ròng là chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Trong khi đó, hai ngân hàng năng động nhất trong nhóm ngân hàng dẫn đầu thị phần tài chính tiêu dùng song hành nhau xuất hiện ở nhóm này.

Nhiều khả năng những thông tin trái chiều về thị trường tài chính tiêu dùng phần nào ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn đối với VPB và HDB, khiến cho các bộ phận tự doanh phải cơ cấu về tỷ trọng thấp hơn.

5 tháng vừa qua cũng chứng kiến những thương vụ IPO khủng, điển hình nhất là 3 công ty thuộc PVN (PV Power, PVOIL, BSR), Techcombank và Vinhomes. Nguồn cung cổ phiếu khá lớn được đưa vào thị trường ít nhiều  “hút bớt” nguồn lực từ các bộ phận tự doanh. Vì thế, những thống kê đã nêu không hoàn toàn phản ánh đầy đủ các yếu tố kỳ vọng vào riêng lẻ từng cổ phiếu.

Tin mới lên