Tiêu điểm

Bộ Giao thông vận tải đứng chót bảng về chỉ số cải cách hành chính

Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2018 vừa được Chính phủ công bố chiều nay (24/5) cho thấy Bộ Giao thông vận tải là đơn vị có điểm thấp nhất, với 75,13%.

Bộ Giao thông vận tải đứng chót bảng về chỉ số cải cách hành chính

Trụ sở Bộ GTVT trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Chiều 24/5, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, đã chủ trì hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018.

Kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của các bộ chia thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất đạt kết quả trên 80% gồm 14 bộ, cơ quan ngang bộ như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… Nhóm thứ 2 đạt kết quả chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải.

Giá trị trung bình chỉ số CCHC của 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt 82,68% và năm 2018 không có bộ nào dưới 70%.

Đứng đầu vẫn là Ngân hàng Nhà nước với 90,57%, tuy nhiên, điểm số của cơ quan này lại giảm so với năm 2017 là 1,79%. Thứ 2 là Bộ Tài chính với 90,19%. Trong khi đó, đứng cuối bảng là Bộ Giao thông vận tải với 75,13%. Bộ Y tế vẫn giữ vị trí áp chót như năm 2017.

Năm 2018 có 15 đơn vị tăng điểm so với năm 2017, trong đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư là đơn vị tăng điểm mạnh nhất với 8,11% để đạt số điểm 80,72%, song thứ hạng của bộ này cũng chỉ ở vị trí số 14/18.

Theo kết quả được công bố, cải cách thủ tục hành chính dù tăng điểm số đáng kể từ 76,30 năm 2017 lên 81,78 năm 2018, nhưng kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2018 cho thấy các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế như trong công bố công khai thủ tục hành chính và tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết đúng hạn theo quy định. Tỷ lệ điểm số đánh giá tác động của cải cách TTHC qua điều tra xã hội học tiếp tục không cao. Tỷ lệ điểm số trung bình mà các bộ nhận được qua điều tra xã hội học ở mức 70,91%.

Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng còn tồn tại trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Vẫn còn một số đơn vị không đạt điểm số của tiêu chí “cung cấp dịch vụ công trực tuyến” hoặc “thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích”.

Bảng xếp hạng năm 2017 gồm 19 bộ và cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ). Tuy nhiên, bảng xếp hạng năm 2018 chỉ còn 18 (không có Uỷ ban Dân tộc). Nguyên nhân được lý giải là quan thực tiễn cho thấy Uỷ ban Dân tộc có nhiều yếu tố đặc thù nên có một số tiêu chí chưa phù hợp.

Tin mới lên