Bất động sản

Bộ Công an đang điều tra 29 ‘dự án ma’ của Địa ốc Alibaba tại Đồng Nai

(VNF) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến 29 dự án của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba để phục vụ công tác điều tra.

Bộ Công an đang điều tra 29 ‘dự án ma’ của Địa ốc Alibaba tại Đồng Nai

Bộ Công an đang điều tra 29 ‘dự án ma’ của Địa ốc Alibaba tại Đồng Nai

Theo văn bản của Bộ Công an, đơn vị đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm về lĩnh vực đất đai có liên quan đến Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (địa chỉ 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP. HCM).

Quá trình xác minh, Bộ Công an cho biết trên địa bàn tỉnh, Địa ốc Alibaba rao bán đất nền của 29 dự án.

Cụ thể, tại huyện Long Thành có 27 dự án gồm: xã Phước Bình có 3 dự án (Alibaba Central Park I, II, III); xã An Phước có 1 dự án (Alibaba An Phước); xã Long Phước có 21 dự án (Long Phước 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14,15,16, Long Phước Golden Point 1 và 2, khu dân cư quốc tế Lilama, Alibaba Long Thanh Capital, Long Phước Residence); xã Phước Thái có 1 dự án (Alibaba Phước Thái Capital), Bàu Cạn, Tân Hiệp có 1 dự án khu đô thị Alibaba Bàu Cạn Riverside.

Tại huyện Nhơn Trạch có 1 dự án Ali Aqua Nhơn Trạch ở xã Long Thọ. Huyện Xuân Lộc có 1 dự án Ali Mega Xuân Lộc tại xã Xuân Hưng.

Để phục vụ cho công tác điều tra, Bộ Công an đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cung cấp tài liệu liên quan đến các dự án nói trên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh chưa cấp phép bất kỳ dự án nào cho Địa ốc Alibaba. Do đó, những dự án Alibaba quảng cáo trên website của công ty này và các trang mạng xã hội đều là “dự án ma”.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2019, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) điều tra, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng đất đối với Địa ốc Alibaba.

Được biết, không chỉ tại địa bàn tỉnh Đồng Nai mà từ năm 2017 đến nay, Địa ốc Alibaba đã vẽ ra nhiều dự án ma với hàng trăm ha đất nông nghiệp tại Bà Rịa Vũng Tàu và mới đây là tỉnh Bình Thuận…

Tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Địa ốc Alibaba hiện đang phân phối 8 “dự án” đất nền với diện tích khoảng 65ha. Tất cả các dự án này đều chưa được cấp phép đầu tư, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa…

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đến thời điểm này, địa phương chưa có một hồ sơ dự án đất nền nào mang tên Alibaba. Do vậy, mọi khách hàng khi có nhu cầu giao dịch đất đai cần đến UBND xã hoặc cơ quan chức năng của địa phương để được hướng dẫn, cung cấp thông tin nhằm hạn chế rủi ro và thiệt hại. 

Hàng chục nhân viên mặc áo đỏ, mang dòng chữ “Tập đoàn địa ốc Alibaba” gây cản trở chính quyền cưỡng chế khu đất nông nghiệp bị xây dựng trái phép tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Còn tại tỉnh Bình Thuận, chính quyền xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân phát hiện một “dự án bánh vẽ” đang rao bán trên mạng xã hội có tên là “Alibaba Thắng Hải Newtimes City” của Tập đoàn Địa ốc Alibaba.

Theo ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, khu đất này rộng gần 32ha và phần lớn diện tích là quy hoạch đất nông nghiệp, chỉ một phần nhỏ gần đường nằm trong quy hoạch khu dân cư. Khi thấy Alibaba rao bán trên trang web và mạng xã hội “dự án ma” tại khu đất này, xã Thắng Hải đã rà soát lại và khẳng định: mục đích sử dụng trong sổ đỏ của khu đất này vẫn là đất nông nghiệp, hoàn toàn chưa có công ty nào đăng ký dự án phân lô, bán nền.

>>> Quảng Ninh tiết kiệm 2.000 tỷ đồng/năm để xây hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam

Tin mới lên