Bình đẳng giới thực chất: Chặng đường phía trước liệu còn xa?

Nhóm tác giả - 19/10/2018 15:37
(VNF) - Hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam sẽ không chỉ là hô hào “hình thức” mà sẽ chuyển sang một giai đoạn thực chất hơn với những mục tiêu rất cụ thể theo các tiêu chí đánh giá của quốc tế, ví dụ như mục tiêu 1 “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị”
Bình đẳng giới thực chất: Chặng đường phía trước liệu còn xa?

Công ước CEDAW (Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) là một trong những Công ước nhân quyền lớn nhất của L​iên hợp quốc, được Đại hội đồng L​iên hợp quốc đã thông qua vào ngày 18/12/1979.

Tính đến nay, đã có 185 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết Công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981.

Việc ký kết và phê chuẩn Công ước là cam kết có tính pháp lý của Việt Nam trước Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên bảo đảm cho phụ nữ các quyền bình đẳng theo các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời qua đó thể hiện quyết tâm xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong các hoạt động của đời sống xã hội – đúng như tên gọi của Công ước.

Sau khi tham gia Công ước, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực thi công ước tại Việt Nam, điển hình là ngày 29/11/2006, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật bình đẳng giới và việc “nội luật hoá” CEDAW đã được Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng hết sức quan tâm. Có rất nhiều nội dung liên quan tới quyền lợi phụ nữ được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về dân sự, hình sự, lao động, giáo dục, sức khoẻ, hôn nhân gia đình, quốc tịch, bầu cử… Việt Nam cũng có đại diện trong Uỷ ban CEDAW - cơ quan giám sát tối cao tình hình thực hiện Công ước..

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 đã đặt ra mục tiêu “đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Có thể thấy, hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam sẽ không chỉ là hô hào “hình thức” mà sẽ chuyển sang một giai đoạn thực chất hơn với những mục tiêu rất cụ thể theo các tiêu chí đánh giá của quốc tế, ví dụ như mục tiêu 1 “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị” đã đặt ra các chỉ tiêu rất cụ thể như: tỷ lệ lãnh đạo nữ Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 đạt từ 35% trở lên, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ…

Việc thực hiện Chiến lược đến nay của chúng ta chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc, liệu các mục tiêu đã đặt ra đã thực sự đạt được hay chưa?

Đánh giá nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của các quốc gia, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xây dựng và công bố định kỳ hàng năm báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu (Global Gender Gap - GGG). Chỉ số Khoảng cách giới được tính toán dựa trên 4 trụ cột chính là: sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế (Economic Participation and Opportunity), Thành tựu giáo dục (Educational Attainment), Sức khoẻ và sự sống (Health and Survival) và Phân quyền chính trị (Political Empowerment).

Theo báo cáo mới nhất công bố tháng 11/2017, Việt Nam đạt 0,698 điểm và đứng ở vị trí thứ 69/140 quốc gia (giảm 4 bậc so với vị trí 64/144 năm 2016). Một trong những yếu tố làm giảm điểm và thứ hạng của Việt Nam là sự sụt giảm của trụ cột Phân quyền chính trị. Trụ cột này đo lường khoảng cách nam và nữ ở cấp độ cao nhất trong việc ra các quyết định chính trị thông qua: tỷ lệ nữ là đại biểu quốc hôi, tỷ lệ nữ là lãnh đạo bộ, ngành… là các yếu tố quyết định quyền lực của phụ nữ, tiếng nói của phụ nữ trong hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện bình đẳng giới.

Bình đẳng giới thực chất: Chặng đường phía trước liệu còn xa?Xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số Khoảng cách giới giai đoạn 2011-2017.

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu tỷ lệ lãnh đạo nữ là 35% như đề cập ở trên, thực tế hiện nay nữ chỉ chiếm 24,4% tổng số đại biểu Quốc hội, 25,7% trong số những người được bầu cử HĐND tại cấp tỉnh, ở cấp huyện là 24,6% và ở cấp cơ sở là 27,7%. Khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu còn khá xa và điều này đòi hỏi cần có các giải pháp quyết liệt ở tất cả các cấp.

Trong chương trình học tập và tìm hiểu thực tế về phát huy tiềm năng giới trong lĩnh vực cải cách do Chính phủ Australia tài trợ được tổ chức tháng 8.2018 (Aus4skills), rất nhiều chuyên gia của Australia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc thúc đẩy tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quan trọng của chính quyền các Bang hay chính phủ Australia.

Một là, chiến lược về tăng lệ lãnh đạo nữ trong khu vực nhà nước đòi hỏi phải được nhất quán về mặt tư duy ở mọi cấp, đặc biệt là những người đứng đầu cơ quan.

Hai là, việc thực hiện các chiến lược đã đặt ra phải được thường xuyên rà soát để tìm ra những điểm vướng mắc đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

Ba là, khuyến khích áp dụng các sáng kiến trong phát triển lãnh đạo nữ. Ví dụ, Chính quyền bang Queensland, Australia đã có sáng kiến về phát triển lãnh đạo nữ trẻ theo cách 1-1 (1 cán bộ đương nhiệm sẽ kèm cặp, hỗ trợ đào tạo 1 cán bộ nữ có khả năng).

Với sáng kiến được đưa ra trong năm 2017 này, riêng trong năm 2018, tỷ lệ nữ ở vị trí cấp cao trong chính quyền bang đã tăng lên đáng kể và gần đạt tới mục tiêu đã đề ra là 50% lãnh đạo cấp cao của chính quyền là nữ.

Quay lại câu chuyện của Việt Nam, chúng ta cũng chỉ còn 2 năm nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra trong chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Các giải pháp cần thực hiện lúc này cần có sự đột phá và quyết liệt như những kinh nghiệm mà nước bạn đang thực hiện thành công.

Quảng cáo