Thị trường

Biểu trưng phong trào 'Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam' liệu có quá đơn điệu?

(VNF) - Biểu trưng của phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” vừa được công bố có sự trùng lắp với một chương trình xúc tiến thương mại quốc tế đã được triển khai từ… 26 năm nay!

Biểu trưng phong trào 'Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam' liệu có quá đơn điệu?

Năm 2009, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động. Kết quả một cuộc điều tra do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội tiến hành đã cho thấy 92 % người tiêu dùng được hỏi “quan tâm” và “rất quan tâm” đến cuộc vận động, 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Một kết quả khảo sát khác của Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích hàng Việt chiếm tới 51% và thường xuyên mua dùng hàng Việt chiếm tới 60%.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, kết quả khảo sát được thực hiện vào năm 2018 lại cho thấy các tỷ lệ này đang giảm đi, phản ánh tình trạng hàng Việt đang phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng ngoại nhập dưới tác động mạnh mẽ của các Hiệp định thương mại tự do và sự hiện diện ngày càng nhiều các kênh phân phối hiện đại của nước ngoài trên thị trường nội địa.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một yêu cầu sống còn là làm sao có thể tiếp tục giữ vũng thị trường nội địa và vươn xa ra thị trường thế giới.

Do đó, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải được tiếp sức và song hành với một cuộc vận động khác không kém phần quan trọng, thậm chí giữ vai trò quyết định là “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao tặng biểu trưng phong trào cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tại Lễ phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” vừa mới được tổ chức, biểu trưng của phong trào thi đua “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” đã được phát động.

Theo thuyết minh, biểu trưng có chữ “V” là chữ cái đầu tiên trong tên nước Việt Nam và cũng là chữ cái đầu tiên trong từ tiếng Anh là Victory - Chiến thắng. Biểu trưng cũng được mô tả là “chữ “V” đặt trên nền tảng văn hóa Việt - Trống Đồng và được tỏa sáng bằng các sắc cầu vồng của 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.

Đích thân Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã tặng cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một phiên bản của biểu trưng này.

Tuy nhiên, một điểm đáng tiếc là cụm từ Vietnam Excellence trên biểu trưng lại trùng lắp với một chương trình vận động và thúc đẩy thương mại khác đã và đang được triển khai rộng khắp toàn cầu là Taiwan Excellence của Đài Loan.

Một hội chợ được tổ chức bởi Taiwan Excellence. Ảnh tư liệu

Biểu trưng Taiwan Excellence lâu nay được phía Đài Loan mô tả là “được sử đụng để vinh danh những sản phẩm sáng tạo vượt trội với giá trị tuyệt vời cho người tiêu dùng toàn cầu”.

Theo đó, mọi sản phẩm được dán biểu tượng này đều đã đạt giải thưởng Taiwan Excellence dựa trên các lĩnh vực Thiết kế, Chất lượng, Tiếp Thị, Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), và Sản xuất.

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1992 bởi Cục Thương Mại Đài Loan; biểu tượng Taiwan Excellence hiện đã được ghi nhận bởi 100 quốc gia trên toàn thế giới.

Có vẻ như sự trùng lắp này khiến cho biểu trưng của phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” trở nên đơn điệu và thiếu sự sáng tạo, mặc dù mong muốn của những người phát động phong trào này là thúc đẩy việc sử dụng hàng Việt Nam.

Một ví dụ là nếu tiến hành tìm kiếm bằng từ khóa Vietnam Excellence thì ở thời điểm hiện tại, toàn bộ các kết quả tìm kiếm đều là... các thông tin, hình ảnh về Taiwan Excellence ở Việt Nam, và về mặt quảng bá thì sẽ rất bất lợi trong tương lai.

Tin mới lên