Ngân hàng

BIDV muốn Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp luật

(VNF) - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE:BID) vừa có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi quy định Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật thành Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật.

BIDV muốn Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp luật

BIDV vẫn đang khuyết ghế Chủ tịch HĐQT

Trước đó, vào tháng 9/2016, BIDV đã thay đổi người đại diện pháp luật từ vị trí Chủ tịch HĐQT sang Tổng giám đốc sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu. Hiện, Tổng giám đốc BIDV là ông Phan Đức Tú, sinh năm 1964, được giao là người đại diện pháp luật cho BIDV.

Sau khi ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT, ông Trần Anh Tuấn được giao phụ trách điều hành hoạt động của BIDV. Đến ngày 1/5/2018, khi ông Trần Anh Tuấn thôi nhiệm, ông Bùi Quang Tiên được bầu làm ủy viên HĐQT, phụ trách điều hành hoạt động của BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022. Cho đến nay, BIDV vẫn khuyết ghế Chủ tịch HĐQT.

Ủy viên phụ trách HĐQT BIDV, ông Bùi Quang Tiên sinh năm 1959. Năm 1982, ông bắt đầu công tác tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 2008, ông được bổ nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ thanh toán - Ngân hàng Nhà nước. Tháng 4/2017, ông Tiên đảm nhận vị trí Ủy viên HĐQT BIDV, sau đó phụ trách HĐQT BIDV.

Cùng ngày 31/10, BIDV có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua Phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Theo đó, BIDV dự kiến phát hành 603 triệu cổ phần riêng lẻ, tương đương 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành (tương đương tỷ lệ 17,65% vốn điều lệ hiện tại của BIDV). Phương thức phát hành là phát hành riêng lẻ cho 1 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư lần đầu tiên trở thành cổ đông của BIDV.

Phía BIDV cho biết, KEB Hana Bank của Hàn Quốc đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV.

Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ thành công, cổ đông Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 95,28% xuống còn 80,99%, trong khi KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn điều lệ BIDV. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2018 - 2019. 

Về kế hoạch sử dụng vốn, BIDV dự kiến sẽ tập trung tái cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động có hiệu quả, an toàn; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, SME, doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư trên thị trường liên ngân hàng, đầu tư và kinh doanh giấy tờ có giá; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, mạng lưới kinh doanh.

 

Tin mới lên