Thị trường

Bay thẳng Việt - Mỹ: Không dễ!

(VNF) - Kế hoạch mở đường bay thẳng Việt - Mỹ vốn đã được Vietnam Airlines nghiên cứu từ năm 2008. Tuy nhiên kế hoạch này sau đó đành phải "đắp chiếu" vì chi phí lớn, quy định phức tạp, lợi nhuận thấp... Đến nay, Bamboo Airways tiếp tục khởi động lại kế hoạch này và khẳng định sẽ có lãi. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định kế hoạch này cần phải được tính toán kỹ lưỡng bởi dù thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn.

Bay thẳng Việt - Mỹ: Không dễ!

Bay thẳng Việt - Mỹ: Không dễ!

Bay thẳng Việt - Mỹ: 20 năm kế hoạch chưa thành

Thảo luận tại tọa đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" tổ chức chiều 1/8, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết Mỹ là thị trường mơ ước của ngành du lịch.

"Việt Nam chúng ta hiểu rằng tiềm năng của khách Mỹ rất lớn. Từ năm 2002, chúng tôi đã bàn với nhau và mơ ước về đường bay thẳng Việt - Mỹ nhưng thấp thoáng đã 20 năm, kế hoạch này vẫn chưa thành công", ông Bình nói.

Còn theo ông Trần Gia Huy, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, từng có 2 hãng hàng không Mỹ bay thẳng Mỹ - Việt. Đầu tiên là vào năm 2007, hãng hàng không United Airlines đã bay tới TP. HCM, nhưng sau 5 năm phải dừng khai thác. Sau đó, hãng Delta Airlines cũng bay thẳng tới TP. HCM nhưng rồi cũng phải dừng sớm.

Về phía Việt Nam, từ năm 2008, Vietnam Airlines đã nghiên cứu đường bay thẳng tới Mỹ, tiếp nhận và khai thác 2 dòng máy bay thân rộng là B787 và A350. Hãng này đặt kế hoạch dự kiến khai thác từ cuối năm 2018 nhưng hiện tại chưa thực hiện. Còn các hãng khác cũng có kế hoạch mở đường bay này, song chưa sở hữu tàu bay thân rộng đáp ứng được điều kiện bay tới Mỹ.

“Đường bay tới Mỹ đòi hỏi chi phí lớn, quy định phức tạp, lợi nhuận thấp. Do đó, sự thận trọng của các hãng hàng không là cần thiết. Thời gian đầu doanh nghiệp mở đường bay có thể lỗ và hãng phải dùng lợi nhuận từ các đường bay khác để bù đắp. Bản thân lãnh đạo Vietnam Airlines cũng từng nói rằng việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ có thể lỗ trong 5-10 năm đầu. Còn lợi nhuận phải nhìn vào thời gian lâu dài sau đó”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, việc mở đường bay thẳng sẽ gặp một số khó khăn, khi phải cạnh tranh với các đường bay gián tiếp giá vé rẻ hơn đường bay thẳng. Đồng thời, Mỹ có nhiều hãng hàng không lớn, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.

"Thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn"

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Cục Hàng không Việt Nam hồi tháng 2/2019. Sự kiện mở ra cơ hội triển khai đường bay thẳng giữa hai nước, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác liên danh với hãng hàng không Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hàng không đánh giá, CAT 1 mới chỉ là một điều kiện cần trong nhiều thủ tục khác phải hoàn tất để mở đường bay thẳng Việt - Mỹ, bao gồm các ràng buộc về mặt pháp lý, cơ chế, chính sách, hay bài toán về kỹ thuật, thị trường, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Công nghệ, kỹ thuật cũng là các yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới khả năng thương mại của đường bay này, xét theo các góc độ chi phí nhiên liệu và dòng máy bay sử dụng.

GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam

Nhìn nhận về việc các hãng hàng không như Delta Airlines và United Airlines cũng từng mở đường thẳng Mỹ - Việt Nam nhưng phải dừng, GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng để mở đường bay thẳng Việt – Mỹ, vấn đề kỹ thuật rất quan trọng và phức tạp nhưng bài toán về kinh tế mới là bài toán đau đầu nhất bởi cạnh tranh với các hãng hàng không lớn và nhiều kinh nghiệm trên thế giới không phải là đơn giản. 

"Cũng có ý kiến lo ngại rằng, với việc bay transit và bay thẳng thì bay thẳng có lợi thế hơn hẳn không? Việc bay thẳng đúng là có những lợi thế ưu việt với chi phí nhiên liệu và không mất chi phí transit ở một số nước khác nhưng lại cần đầu tư đội tàu bay hiện đại với chi phí ban đầu lớn. Vì vậy phải nghiên cứu kỹ càng chứ không phải bay ngay được với đội bay hiện tại", GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát phân tích.

Về các vấn đề kỹ thuật, thị trường khi bay thẳng và bay transit, theo ông Khoát cần tính toán kỹ, thiết kế đường bay cho phù hợp, khi bay transit có thể có thêm khách còn bay thẳng chỉ lấy khách từ Việt Nam, trong khi trên thực tế, lượng khách Việt Nam đi Mỹ cũng còn khiêm tốn.

"Cuối cùng là các vấn đề về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, khả năng quản trị... cần tính toán thêm. Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả về đường bay. Việc mở đường bay sang Mỹ, thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn", ông Khoát nói.

Cũng liên quan đến việc mở đường bay thẳng Việt – Mỹ, TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao (Học viện Ngoại giao) cho rằng tâm lý lạc quan là có cơ sở nhưng cũng cần giải quyết 5 vấn đề.

Thứ nhất, theo ông Tĩnh, là vấn đề pháp lý bởi đối với nước Mỹ, vấn đề pháp lý chưa bao giờ đơn giản, vì thế phải đồng hành với các công ty luật của Mỹ để giải vấn đề này. Thứ hai là câu chuyện về an ninh, trước đó, chính quyền thời tổng thống Obama cho rằng khủng bố là mỗi đe doạ hàng đầu của nước Mỹ, đặc biệt là với ngành hàng không nhưng đến nay là an ninh mạng.

Vấn đề thứ ba cần giải quyết, theo ông Tĩnh, là bài toán kinh tế bởi chúng ta chưa tính đến nhiều ẩn số như giá cả nguyên liệu, sân bay tắc nghẽn… Thứ tư là vấn đề cạnh tranh, các hãng hàng không khác cũng không phải tầm thường, họ cũng có nhưng thế mạnh của họ, do vậy doanh nghiệp Việt Nam phải lấy tiêu chuẩn cao để vượt lên họ.

"Cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực... Do đó, để hiện thực hóa kế hoạch bay thẳng Việt - Mỹ, các hãng hàng không phải giải quyết và vượt qua được những thách thức này và cần phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng", TS. Lê Đình Tĩnh nói.

Xem thêm >>> Ông Trịnh Văn Quyết giải bài toán bay thẳng Việt-Mỹ: Dùng Boeing 787-9, bán vé 1.300 USD, lãi 8,4 tỷ

Tin mới lên