Tài chính

Bất chấp thị trường hàng không gặp khó, Vietjet vẫn lãi trước thuế gần 2.400 tỷ đồng

(VNF) - 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hàng không Vietjet tiếp tục tăng trưởng 22%, lợi nhuận vận tải hàng không tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Bất chấp thị trường hàng không gặp khó, Vietjet vẫn lãi trước thuế gần 2.400 tỷ đồng

Tỷ trọng doanh thu quốc tế của Vietjet vượt qua doanh thu nội địa

Theo công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vietjet, mảng dịch vụ vận tải hàng không đạt doanh thu 20.148 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.563 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả hợp nhất bao gồm lĩnh vực thương mại mua bán tàu bay, doanh thu hợp nhất đạt 26.301 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.398 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm, Vietjet thực hiện 68.821 chuyến bay, tương đương với 45% trong tổng số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không nội địa, phục vụ chuyên chở cho 13,5 triệu lượt khách hàng trên toàn mạng bay. Vietjet tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu lượng khách vận chuyển nội địa với 44% thị phần trong 6 tháng.

Thị trường quốc tế có dư địa lớn để phát triển, biên lợi nhuận tốt nhờ doanh thu phụ trợ (ancillary) và lợi thế chi phí nhiên liệu thấp, đồng thời gia tăng nguồn ngoại tệ. Tương ứng, lượng khách các tuyến quốc tế đạt được mức tăng trưởng 35% với gần 4 triệu lượt khách.

Tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt qua doanh thu nội địa và đạt 54% trên tổng doanh thu vận tải hàng không. Doanh thu phụ trợ và vận tải hàng hóa đạt 5,474 tỷ đồng, tỷ trọng tăng từ 21% năm trước lên 27% năm nay, chủ yếu nhờ đóng góp từ sự tăng trưởng các tuyến quốc tế.

Vietjet đã mở thêm 9 đường bay quốc tế đi Nhật Bản, Hong Kong, Indonesia, Trung Quốc và 3 đường bay trong nước, nâng tổng số đường bay lên 120 đường bay, bao gồm 78 đường quốc tế và 42 đường nội địa trong 6 tháng đầu năm. 

Kết quả hoạt động khai thác khác, số ghế km thực hiện (RPK) đạt 16,3 tỷ đơn vị tương ứng tăng 22% so với cùng kỳ, hệ số sử dụng ghế (load factor) bình quân đạt 88%, độ tin cậy kỹ thuật 99,64%, tỷ lệ đúng giờ (OTP) đạt 81,5%.

Vietjet cũng ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu đạt 15.622 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 44.461 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tài sản dài hạn là 21.955 tỷ đồng, chiếm 49% trong tổng tài sản.

Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ có 0,5 lần. Đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4 đã quyết định chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 55%, cao hơn kế hoạch 50% thông qua tại đại hội cổ đông thường niên năm trước.

Trong nửa đầu năm 2019 Vietjet cũng đưa vào sử dụng phiên bản ứng dụng trên điện thoại thông minh mới Vietjet Air tích hợp chương trình thành viên Vietjet SkyClub nhằm giúp mua vé nhanh chóng trên điện thoại, ưu đãi săn vé 0 đồng vào thứ 6 hàng tuần, miễn phí thanh toán…

Học viện Hàng không Vietjet đặt tại khu công nghệ cao TP. HCM là cơ sở đào tạo hiện đại tầm vóc quốc tế với trang thiết bị, chương trình đạt chuẩn EASA của châu Âu đã thực hiện hơn 250 khóa học cho 5.623 lượt học viên phi công, tiếp viên, kỹ sư, nhân viên hàng không… trong 6 tháng đầu năm. Buồng lái mô phỏng (SIM) tại học viện được đưa vào sử dụng tháng 11/2018, đến nay đã được sử dụng đào tạo 3.178 giờ cho 2.809 lượt học viên và giáo viên. Trung tâm SIM của Vietjet đã đạt chứng nhận ATO level 2 của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu EASA, bộ tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.

Được biết, Vietjet là doanh nghiệp duy nhất đến từ Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản – Keidanre.

>>> Hai 'ông lớn' ngành hàng không kinh doanh thế nào trong nửa đầu năm nay?

Tin mới lên