Hồ sơ VNF

Báo cáo về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

(VNF) - Trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam, các mặt hàng nguyên liệu (như hóa chất, chất dẻo, nhựa, thép và kim loại) và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (linh kiện, phụ kiện) là những đầu vào thiết yếu cho các sản phẩm công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao và ít thay đổi trong suốt giai đoạn vừa qua.

Báo cáo về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Do đó cho đến nay Việt Nam chủ yếu còn hấp dẫn đối với phát triển công nghiệp hạ nguồn, chủ yếu ở công đoạn gia công, lắp ráp do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Đó là những ngành có thể tận dụng lao động dồi dào và giá sức lao động rẻ để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Trong điều kiện nước ta có dân số đông và hiện trang cơ cấu dân số (dân số trẻ, 65% ở khu vực nông thôn), cần định hướng tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến chế tạo để phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, phát triển công nghiệp hạ nguồn trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng dần với tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được lợi thế này. Trong trường hợp chi phí nhân công tăng cao, nếu công nghiệp hỗ trợ kém phát triển thì sẽ hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.

Do nguồn lực trong nước hạn chế, Việt Nam vẫn tiếp tục cần các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để mở rộng qui mô nền kinh tế nhằm tạo ra thêm việc làm và tận dụng sự lan tỏa trình độ quản lý và công nghệ. Nếu công nghiệp hỗ trợ kém phát triển thì sẽ hạn chế việc thu hút FDI, cũng như giữ chân các doanh nghiệp FDI ở lại Việt Nam trong dài hạn.

Việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15 % GDP so với mức trên 20% của phần lớn các quốc gia trong ASEAN, Campuchia 22%, Thái Lan 26%, Hàn Quốc 28% , Trung Quốc 36%.

Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong phát triển kinh tế đất nước là xây dựng nội lực đất nước, đảm bảo tự cường dân tộc.

Bạn đọc quan tâm có thể xem toàn văn Báo cáo về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại đây.

Tin mới lên