Hồ sơ VNF

Báo cáo về tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

(VNF) - Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo về tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2016-2018, mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực.

Giai đoạn 2016-2018, mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối vĩ mô được tăng cường. Trong đó, tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua. Lạm phát giảm từ 7,7% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 3,1% ước bình quân giai đoạn 2016-2017. Lạm phát cơ bản cũng được duy trì ổn định ở dưới 2%. Cán cân tài khoản vãng lai thặng dư cũng đã trở lại sau khi thâm hụt trong năm 2015. Dự trữ ngoại hối nếu như giảm mạnh trong năm 2015 thì trong hai năm 2016 và 2017 mỗi năm tăng khoảng 4% GDP.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách từng bước được kiềm chế. Tỷ lệ bội chi/GDP năm 2015 là 6,11%, năm 2016 là 5,52%, năm 2017 giảm còn 3,48% và dự kiến năm 2018 là 3,67%. Tỷ lệ nợ công/GDP cũng giảm từ 63,6% năm 2016 xuống còn 61,4% năm 2017 và 58,5% tính đến tháng 6/2018.

Đặc biệt, tỷ lệ đòn bẩy (nợ/chủ sở hữu) của các doanh nghiệp phi tài chính đã giảm rõ rệt. Nếu như tỷ lệ này trong năm 2011 là 1,83 thì đã giảm xuống 1,5 trong năm 2017 và 1,35 tính đến 30/6/2018.

Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng bước đầu đạt được những kết quả tích cực như tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng. Vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội. Cùng với đó, hệ số tiêu hao năng lượng được cải thiện đáng kể, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển.

Quý độc giả quan tâm có thể xem toàn văn Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tại đây.

Tin mới lên