Hồ sơ VNF

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2018 của VEPR

(VNF) - Theo số liệu công bố của TCTK, kinh tế Việt Nam quý I/2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt mức 7,38% (yoy). Dường như đà tăng trưởng tích cực từ hai quý nửa sau năm 2017 góp phần cho mức tăng ấn tượng này.

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2018 của VEPR

Kinh tế Việt Nam quý I/2018 chứng kiến mức tăng trưởng cao hiếm thấy, 7,38%(yoy), cao nhất trong 10 năm.

Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi trong quý I/2018. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt với những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, khiến Fed một lần nữa quyết định tăng lãi suất trong tháng 3.

Tại châu Âu, trong khi các nước EU giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ, thì kinh tế Anh tiếp tục suy giảm sau Brexit trong bối cảnh chưa đạt được thỏa thuận thương mại mới với EU.

Tại châu Á, kinh tế Nhật Bản đã có những dấu hiệu tích cực sau một năm bê bối làm giả số liệu của ngành công nghiệp sản xuất. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định và vượt kỳ vọng của thị trường.

Các nước ASEAN đều duy trì tăng trưởng tích cực, trong khi các nước BRICS có sự phân hóa về tăng trưởng. Trong nước, quý I/2018 chứng kiến mức tăng trưởng cao hiếm thấy, 7,38%(yoy), cao nhất trong 10 năm.

Khu vực nông, lâm, thuỷ sản và dịch vụ có sự cải thiện mạnh so với các năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng tăng trưởng rất cao ở mức 9,7%. Ngành công nghiệp chế tác tiếp tục là động lực cho cả nền kinh tế. Trong khi đó, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại sau hai năm thu hẹp.

Quy mô việc làm tạo mới và số doanh nghiệp đăng ký trong quý I không tăng cao tương ứng với tăng trưởng kinh tế so với năm trước. Lạm phát lõi tăng nhẹ trong quý I, đạt mức 1,38% (yoy) trong tháng 3, do tổng phương tiện thanh toán được mở rộng, dường như phản ánh khuynh hướng nới lỏng tiền tệ của NHNN.

Thương mại tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý I/2018. Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 24,3% và 16,3% (yoy). Cán cân thương mại thặng dư 1,3 tỷ USD, chủ yếu nhờ xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng vọt 58,8%. Trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất thì Hàn Quốc tiếp tục là đối tác tạo ra nhập siêu lớn nhất với Việt Nam kể từ năm 2017.

Nguồn thu ngân sách nhà nước có sự dịch chuyển trong tình hình mới: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và dầu thô giảm, còn thu nội địa tăng lên. Trong khi đó, chi ngân sách tiếp tục thể hiện sự thiếu cân bằng khi chi thường xuyên luôn trên 70%, còn chi đầu tư phát triển bị hạn chế (chỉ chiếm 14,2% tổng chi trong quý I/2018).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I đạt 9,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (9,2%), mặc dù thấp hơn so với mức tăng trưởng cả năm 2017 (10,9%). Tiêu dùng tăng mạnh vào tháng 2 nhờ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng cao.

Trong khi vốn FDI giải ngân tăng, lượng vốn FDI đăng ký mới và đăng ký bổ sung đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư số một tại Việt Nam.

Thanh khoản hệ thống trong dịp gần Tết có phần eo hẹp do nhu cầu thanh toán tăng cao. Lãi suất liên ngân hàng vì thế tăng rất mạnh, trước khi giảm dần sau Tết Nguyên đán. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, đạt 57 tỷ USD vào đầu tháng 2, nhưng chưa vượt quá 3 tháng nhập khẩu.

Thị trường căn hộ trong quý I vẫn diễn ra sôi động ở cả hai thị trường Hà Nội và TP. HCM, tăng về cả lượng mở bán mới và lượng bán ra so với cùng kỳ năm 2017. Những lo ngại về công tác PCCC trong các tòa nhà chung cư có thể khiến thị trường tạm lắng trong thời gian tới.

Bạn đọc quan tâm có thể tải Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2018 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tại đây.

Tin mới lên