Tài chính quốc tế

Australia vạch trần chiêu 'hái hoa, làm mật' tinh vi của quân đội Trung Quốc

Ngày 30/10, Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã công bố một báo rất chi tiết về chiêu “hái hoa, làm mật” – lợi dụng việc hợp tác nghiên cứu với các trường đại học phương Tây để lấy “chất xám”, mà quân đội Trung Quốc đang áp dụng rất tinh vi, CNN đưa tin.

Australia vạch trần chiêu 'hái hoa, làm mật' tinh vi của quân đội Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc đang tung hàng loạt nhà khoa học tới các đại học, học viện nước ngoài thu "chất xám" về nước?

Hàng nghìn nhà khoa học của quân đội Trung Quốc được “gieo” khắp thế giới?

Kể từ năm 2007, hơn 2.500 nhà khoa học và kĩ sư quân sự có liên kết với quân đội Trung Quốc (PLA) đã tới nghiên cứu và phát triển mối quan hệ với các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước có công nghệ quân sự tiên tiến.

Trong quá trình nghiên cứu, chủ yếu ở các ngành công nghệ chiến lược và mới nổi, các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã lợi dụng việc hợp tác nghiên cứu để lấy kinh nghiệm hay “chất xám” của đối tác nước ngoài nhằm cải tiến các công nghệ quân sự của Trung Quốc, ASPI khẳng định.

"Các nhà khoa học (Trung Quốc) chủ yếu hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược và công nghệ mới nổi như vật lý lượng tử, xử lý tín hiệu, mật mã, công nghệ định vị và phương tiện tự hành", báo cáo cho biết...

Theo ASPI, các nhà khoa học được gửi ra nước ngoài với mục đích trên đến từ rất nhiều viện khác nhau của PLA, như Navy Submarine Academy (Học viện Tàu ngầm Hải quân) và Rocket Force Engineering University. Họ đến các nước phương Tây với lý do nghiên cứu, học nghiên cứu sinh hoặc làm việc như các học giả.

Chiến lược này đã từng được báo quân đội PLA Daily của Trung Quốc hồi năm 2015 miêu tả là “hoạt động "hái hoa ở vùng đất nước ngoài để làm mật ở Trung Quốc".

Theo CNN, trong số 2.500 nhà khoa học mà Trung Quốc đã gửi đi, phần lớn tới các nước "Five Eyes" - nhóm các quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, những nước thường chia sẻ thông tin tình báo và nhiều thông tin khác. Ngoài ra còn có Đức và Singapore.

Mỗi nước Anh và Mỹ có 500 người, mỗi Australia và Canada có khoảng 300 người vào mỗi Đức và Singapore có khoảng 100 người. Ngoài ra còn hàng trăm người khác được gửi tới các nước như Netherland, Thụy Điển, Nhật Bản và Pháp.

Số lượng các bài báo do các nhà khoa học nước ngoài và các nhà nghiên cứu của quân đội Trung Quốc hợp tác viết đã tăng từ 112 vào năm 2006, lên hơn 700 trong năm 2017, theo ASPI.

Hoạt động gián điệp?

Trong khi hầu hết các nhà khoa học do PLA cử đi đều công khai học viện mà họ từng học ở Trung Quốc, nhưng cũng có một số đã "tích cực sử dụng vỏ bọc" để ngụy trang khỏi sự liên quan tới PLA, thay vào đó họ tuyên bố đến từ các tổ chức học thuật thực ra không tồn tại.

Theo ASPI, nhiều người trong số này được cho là tham gia vào hoạt động gián điệp hoặc ăn cắp tài sản trí tuệ khi ở nước ngoài. Những nhà khoa học kiểu này thường liên lạc với cấp trên của họ ở Trung Quốc, nhận được sự giúp đỡ của cấp trên trong khi ở nước ngoài. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện. Ví dụ, năm 2014, chính phủ Mỹ đã truy tố 5 tin tặc quân sự Trung Quốc được cho là có liên quan đến PLA.

Cách thức PLA liên kết với các trường, học viện thế giới

Theo báo cáo, trong nhiều năm qua, quân đội Trung Quốc đã thông qua hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu của mình để xây dựng quan hệ với nhiều đại học và các nhà nghiên cứu hàng đầu ở nước ngoài. Ví dụ điển hình là Đại học Kĩ thuật Quốc phòng Quốc gia PLA Trung Quốc (NUDT). Theo một tài liệu được công bố năm 2014 của (NUDT), trường này đã tuyển dụng 20 người nước ngoài làm giảng viên và “thiết lập mối quan hệ học tập với hơn 100 trường đại học và các đơn vị nghiên cứu tại hơn 50 quốc gia và khu vực”.

Nhiều nhà khoa học từ Australia, Anh và Mỹ được liệt kê là giám sát viên tiến sĩ tiềm năng cho sinh viên NUDT vào năm 2018.

NUDT cũng đã xây dựng mối quan hệ với các trường đại học ở nước ngoài ở cấp thể chế. Ví dụ, Chương trình Đào tạo Tài năng Liên ngành về Thông tin Lượng tử của NUDT đang hợp tác với Phòng thí nghiệm Cavendish của Đại học Cambridge. Tờ People Daily của Trung Quốc cho biết, ngoài các thỏa thuận với Đại học Oxford và Cambridge, NUDT đã thiết lập 'các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài' tại nhiều cơ sở bao gồm Đại học Harvard. Đại học Massey của New Zealand cũng đã ký một bản ghi nhớ với NUDT vào năm 2008.

Phương Tây đang mất cảnh giác?

ASPI nhấn mạnh rằng chính phủ và nhiều trường đại học phương Tây đang bị thiếu thận trọng khi đối mặt với chiến dịch mà  Bắc Kinh đang dùng để khai thác công nghệ nước ngoài để cải tiến quân đội như trên.

"Tôi chưa từng thấy bất kỳ trường đại học nào thừa nhận rủi ro này. Họ không thực sự cẩn trọng trong việc phân biệt giữa hợp tác có lợi với Trung Quốc và hợp tác có thể không có lợi với quân đội Trung Quốc", Alex Joske, tác giả của báo cáo và là một nhà nghiên cứu của ASPI nói với CNN.

Tuy nhiên, trả lời CNN về báo cáo của Australia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng báo cáo là "vô lý và vô căn cứ ... vô trách nhiệm và không đáng quan tâm".

"Trung Quốc trao đổi và hợp tác với nước ngoài về công nghệ và nhân văn phù hợp với lợi ích của mọi người. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và tập trung năng lượng vào một cái gì đó có lợi", tuyên bố nói.

Xem thêm >> Trung Quốc phủ nhận cáo buộc muốn làm ‘bá chủ Biển Đông’

Tin mới lên