Tài chính

Ai sẽ trở thành chủ tịch mới của Viglacera?

(VNF) - Viglacera sẽ có chủ tịch mới vào đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới. Tuy nhiên, vị chủ tịch mới này liệu có ngồi lâu trên "ghế nóng"?

Ai sẽ trở thành chủ tịch mới của Viglacera?

Ai sẽ trở thành chủ tịch mới của Viglacera?

Tổng công ty Viglacera (HNX: VGC) vừa công bố Nghị quyết về việc "tín nhiệm đồng chí Luyện Công Minh tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty".

Theo đó, HĐQT Viglacera nhất trí để ông Luyện Công Minh tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera cho đến khi doanh nghiệp này tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào năm 2019.

Được biết, ông Luyện Công Minh đang trong diện nghỉ hưu theo chế độ.

Cùng với nghị quyết trên, Viglacera cũng công bố thông tin về việc Điều chỉnh, giao quản lý phần vốn Nhà nước trên vốn điều lệ tại Tổng công ty Viglacera - CTCP kể từ ngày 1/1/2019 tại Quyết định số 1582/QĐ-BXD ngày 14/12/2018.

Theo đó, Bộ xây dựng cử ông Nguyễn Anh Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viglacera, làm Tổ trưởng Tổ người đại diện phần vốn Nhà nước thay ông Luyện Công Minh.

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn quản lý 25,97% vốn nhà nước tại Viglacera. Ông Trần Ngọc Anh, Thành viên HĐQT quản lý 18% vốn nhà nước. Ông Nguyễn Quý Tuấn, Thành viên HĐQT quản lý 10% vốn nhà nước.

Như vậy, nhiều khả năng sau đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, ông Nguyễn Anh Tuấn sẽ trở thành Chủ tịch HĐQT Viglacera.

Ông Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1961, kém ông Luyện Công Minh 4 tuổi. Mặc dù trên lý thuyết, ông Tuấn có thể giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Viglacera trong khoảng 4 năm nữa (theo chế độ hưu nhà nước) nhưng trên thực tế, thời gian có thể không lâu như vậy. Lý do là bởi Bộ Xây dựng dự kiến sẽ thoái toàn bộ 54% cổ phần tại Viglacera ngay trong năm 2019, sau khi doanh nghiệp này hoàn tất chuyển sàn.

Nếu thoái vốn thành công, Viglacera sẽ trở thành công ty tư nhân và ghế chủ tịch sẽ nhường cho chủ mới.

Trong một diễn biến mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã công bố Quyết định về việc niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera.

Theo đó, HoSE chấp thuận cho Tổng công ty Viglacera niêm yết 448 triệu cổ phiếu VGC. Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết theo mệnh giá là 4.483 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, động thái niêm yết lên sàn HoSE của Viglacera ngoài việc giúp tăng thanh khoản cổ phiếu, còn là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc Bộ Xây dựng thoái toàn bộ 54% vốn điều lệ tại Viglacera, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2018.

Việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE sẽ giúp cổ phiếu của Viglacera thu hút được nhiều sự quan tâm hơn của các nhà đầu tư. Cùng với đó, việc bán lượng cổ phần đủ quyền kiểm soát sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức bởi khả năng tạo ra giá trị gia tăng từ việc cải thiện hiệu quả sản xuất và kinh doanh trong dài hạn là cao hơn, do đó cũng tăng khả năng thoái vốn thành công.

Năm 2018, lợi nhuận của công ty mẹ Viglacera ước đạt 606 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm. Doanh thu hợp cộng toàn tổng công ty ước đạt 17.000 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Công ty mẹ Viglacera là 600 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017 (566 tỷ đồng).

Với kết quả trên, lợi nhuận năm 2018 của Viglacera đã tăng khoảng 7% so với năm trước đó.

Tin mới lên