Ngân hàng

Agribank đau đầu với 7.500 tỷ đồng vốn tự có

(VNF) - Tín dụng muốn tăng để phục vụ chính sách tam nông, chỉ số an toàn cũng muốn đáp ứng theo quy định nhưng vốn thì không cấp đủ, Agribank đang nan giải với bài toán tăng vốn.

Agribank đau đầu với 7.500 tỷ đồng vốn tự có

Hệ số CAR của Agribank không đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có văn bản gửi hai “ông bố” là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đề xuất tháo gỡ khó khăn và kế hoạch tăng vốn.

Nan giải bài toán xoay xở vốn

Theo đó, tính đến 31/12/2017, thứ nhất, tổng vốn tự có riêng lẻ của ngân hàng là 69.811 tỷ dồng. Trong đó, vốn cấp 1 là 45.359 tỷ đồng, bao gồm: vốn điều lệ: 30.355 tỷ đồng, chiếm 43,5% vốn tự có. Trong tổng số vốn điều lệ được cấp có 3.590 tỷ đồng cấp năm 2003 bằng trái phiếu đặc biệt, thời hạn 20 năm, lãi suất 3,3%/năm.

Đối với các quỹ: quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: 1.342 tỷ đồng, chiếm 1,9% vốn tự có; quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ: 12.500 tỷ đồng.

Riêng vốn cấp 2 đạt 24.452 tỷ đồng, bao gồm: trái phiếu 10 năm của Agribank: 16.216 tỷ đồng; quỹ dự phòng tài chính: 2.491 tỷ đồng; quỹ dự phòng chung: 6.207 tỷ đồng.

Như vậy, vốn cấp 2 bị giảm do thay đổi về phương pháp xác định vốn tự có đối với khoản đầu tư nợ thứ cấp do tổ chức tín dụng khác phát hành theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, vốn tự có hợp nhất của ngân hàng và các công ty con, tính đến 31/12/2017, con số trên đạt 59.672 tỷ đồng, thấp hơn vốn tự có riêng lẻ 10.139 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ luỹ kế của các công ty con.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Agribank đang lên kế hoạch bổ sung vốn trong năm 2018.

Cụ thể như sau: Một là, ngân hàng phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn từ thị trường, tập trung chủ yếu đối tượng dân cư để tăng vốn cấp 2, bù đắp phần vốn tự có giảm 4.025 tỷ đồng do loại trừ khoản đầu tư trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hai là, phân phối lợi nhuận năm 2017: 1.620 tỷ đồng; lãi trái phiếu hàng năm: 118 tỷ đồng và thu nợ tồn đọng nhóm 2 trong các năm 2015, 2016, 2017 là 30,9 tỷ đồng.

Qua đó, ngân hàng dự kiến đến 31/12/2018, vốn tự có riêng lẻ đạt 70.051 tỷ đồng; trong điều kiện tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, CAR riêng lẻ dự kiến đạt: 9,11%.

Cùng đó, vốn tự có hợp nhất đạt: 61.852 tỷ đồng; CAR hợp nhất: 8,02%, thấp hơn 0,98% so với quy định, tương ứng với mức thiếu vốn tự có 7.500 tỷ đồng.

Nguy cơ phạm luật và thiếu vốn cho tam nông

Theo lộ trình, Agribank sẽ cổ phần hoá vào năm 2019, bởi vậy, một số công ty chứng khoán bắt đầu “săm soi” ngân hàng này. Theo đánh giá của họ, nếu như năm 2018, ngân hàng không được Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ, chắc chắn hệ số CAR hợp nhất theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ không đạt.

Do đó, Agribank sẽ có nguy cơ vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng; đồng thời, không thể tăng trưởng tín dụng ở mức 14 - 17% theo mục tiêu, ảnh hưởng trực tiếp đến vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh và khả năng thành công của công tác cổ phần hóa ngân hàng.

Trên thực tế, do tính chất đặc thù, vốn tự có bổ sung từ lợi nhuận hàng năm của Agribank không đủ đáp ứng quy mô tăng trưởng.

Theo Nghị định 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, tỷ lệ trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế thấp hơn so với quy định tại Nghị định 57/2012/NĐ-CP, trường hợp lợi nhuận cao, sau khi trích lập quỹ theo quy đinh, phần lợi nhuận còn lại Agribank sẽ phải nộp về Ngân sách nhà nước, không được giữ lại để tăng vốn.

Chưa kể, việc tăng vốn cấp 2 cũng khó khăn do phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 không thuận. Bởi lẽ, loại trái phiếu này thời hạn dài, lãi suất không ổn định, trong bối cảnh hàng năm, Chính phủ phát hành một lượng lớn trái phiếu nên hút bớt nguồn.

Mặt khác, đặc thù của Agribank là cho vay tam nông theo chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, phần lớn các khoản vay thiếu tài sản bảo đảm, dẫn đến nhóm tài sản có hệ số rủi ro 100% tăng nhanh. Đã vậy, ngân hàng còn phải đứng trước áp lực phải tăng trưởng tín dụng để phục vụ nông nghiệp nông thôn.

Giai đoạn 2017 – 2020, dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng tài sản Có rủi ro tăng từ 12% - 16% (khoảng 80.000 đến 90.000 tỷ đồng mỗi năm), kéo theo nhu cầu tăng vốn tự có tối thiểu từ 6.000 – 8.000 tỷ đồng/năm.

Không riêng gì Agribank, cả 3 “ông lớn” còn lại thuộc diện Nhà nước chi phối đang đau đầu với bài toán vốn. Hầu hết đều tính đến giải pháp phát hành tăng vốn cấp 2. Như VietinBank vừa qua, dự kiến phát hành 4.000 tỷ đồng nhưng cuối cùng chỉ chốt được khoảng 3.700 tỷ đồng. Trớ trêu, bên mua là những ngân hàng nhỏ, đã chạm trần “room” tín dụng.

Hay như ở BIDV, ngân hàng này từng “đánh liều” giữ lại phần cổ tức Nhà nước để tăng vốn nhưng sau đó bị buộc phải trả lại về ngân sách.

Tin mới lên