Thị trường

31% doanh nghiệp phải trả ‘chi phí không chính thức’ cho hải quan

(VNF) – Đây là số liệu do VCCI đưa ra tại báo cáo "Đánh giá cải cách Thủ tục hành chính Hải quan, mức độ hài lòng của DN năm 2016", phát đi hôm 27/4.

31% doanh nghiệp phải trả ‘chi phí không chính thức’ cho hải quan

Số doanh nghiệp phải trả chi phí bôi trơn, lót tay cho hải quan tăng lên so với năm trước

Cụ thể, theo VCCI, có 31% số doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan, 31% trả lời không biết và 38% còn lại nói rằng không chi trả.

So với kết quả điều tra năm 2015, tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức năm 2016 đã tăng từ 28% lên 31%. Trong khi đó, nhóm không chi thêm chi phí ngoài quy định chỉ tăng thêm 1 điểm % so với năm 2015.

Báo cáo cũng cho biết, trong trường hợp doanh nghiệp không trả chi phí không chính thức thì có 44% doanh nghiệp không bị phân biệt đối xử, 39% doanh nghiệp trả lời không biết, nhưng vẫn có 17% doanh nghiệp cho rằng có bị phân biệt đối xử.

Theo VCCI, dù tỷ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử có giảm so với năm trước (năm 2015 là 31%), tuy nhiên đây vẫn là "điểm nghẽn" của đại đa số doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu.

31% doanh nghiệp phải trả ‘chi phí không chính thức’ cho hải quan ảnh 1

Thủ tục hải quan vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp

Bên cạnh các nội dung trên, báo cáo của VCCI cũng nêu lên một số hạn chế trong thủ tục hải quan như: quy định pháp luật thường xuyên thay đổi khiến doanh nghiệp không thể cập nhật kịp thời; sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan nhiều lúc còn hạn chế…

Vẫn có trên 20% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục như hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra sau thông quan, thủ tục xét miễn thuế và giải quyết khiếu nại.

Trong tìm hiểu thông tin, dù tỷ lệ doanh nghiệp gặp vướng mắc đã giảm so với năm 2015 (47% so với 54%) song vẫn còn hạn chế khi công văn trả lời của cơ quan chức năng còn chung chung, không có hướng dẫn cụ thể.

Riêng kiểm tra sau thông quan, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn tăng khá mạnh so với năm 2015 (26% so với 19%). Cụ thể, có tới 38% doanh nghiệp cho biết nội dung kiểm tra bị chồng chéo, trùng lặp; 36% cho biết thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thông báo; 35% doanh nghiêp phải chi trả chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra.

Về kiểm tra chuyên ngành, 25% cho biết gặp khó hoặc rất khó, trong đó tỷ lệ cao nhất rơi vào kiểm tra văn hóa (59%), kiểm tra y tế (40%) và kiểm dịch động vật (36%). Một số lĩnh vực khác có trên 20% doanh nghiệp đánh giá là khó/rất khó, bao gồm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (29%) và kiểm tra chất lượng (25%).

Đáng lưu ý, có tới 93% doanh nghiệp cho rằng quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, 89% cho rằng quy định không phù hợp thực tế, 82% doanh nghiệp cho rằng các cơ quan phối hợp chưa tốt, thời gian kiểm tra chuyên ngành kéo dài so với quy định…

Tin mới lên