Tiêu điểm

13 năm sau lời phê bình của WB, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn yếu kém về quản trị

(VNF) – Năm 2006, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá về tình hình tuân thủ nguyên tắc và chuẩn mực quản trị công ty của Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, là “căn bản chưa được tuân thủ”. Sau 13 năm, nhìn lại 6 nguyên tắc và 30 tiêu chí theo OECD, quản trị doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với thông lệ quốc tế.

13 năm sau lời phê bình của WB, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn yếu kém về quản trị

Ảnh minh họa

Theo CIEM (Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương), trên thực tế doanh nghiệp nhà nước Việt Nam chưa được đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam bị hạn chế về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam đã quy định chi tiết các trường hợp doanh nghiệp nhà nước phải xin ý kiến chấp thuận hoặc phê duyệt của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu, cơ quan tài chính và các cơ quan liên quan về quản lý tài chính, tài sản, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư ra bên ngoài, huy động vốn…

Doanh nghiệp nhà nước cũng phải tuân thủ các quy định đặc thù về hạn chế quyền tài sản như: phạm vi đầu tư ra bên ngoài, giới hạn hệ số nợ, không có thẩm quyền chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc bảo toàn vốn trong chuyển nhượng cổ phần/vốn góp, xin ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định của nhiều cơ quan nhà nước trong đầu tư các dự án quy mô lớn (kể cả các dự án do doanh nghiệp tự vay tự trả).

Doanh nghiệp nhà nước cũng bị hạn chế về quyền tuyển dụng, bổ nhiệm người quản lý, điều hành. CIEM cho rằng quy định hiện hành về điều kiện bổ nhiệm người quản lý, trước hết là điều kiện quy hoạch cán bộ, sẽ làm khó việc tìm kiếm, lựa chọn, ký kết hợp đồng với người quản lý giỏi từ thị trường để bổ nhiệm vào các chức danh quản lý doanh nghiệp nhà nước. Ngay cả quyền tự do thỏa thuận tiền lương ở doanh nghiệp nhà nước cũng bị hạn chế, bởi pháp luật hiện hành quy định tiền lương gắn với hiệu quả kinh doanh nhưng vẫn khống chế mức thưởng tối đa.

Một hạn chế khác được CIEM chỉ ra là sự hạn chế về quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu vẫn đan xen với cơ quan hành chính nhà nước, kể cả khi đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách phát triển ngành lại đan xen với chính sách của nhà nước; đầu tư nhà nước phục vụ lợi ích chung đan xen với với đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

“Cách thức điều hành và công nghệ quản lý tại nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu. Trách nhiệm giám sát từ bên ngoài không rõ, trong khi kiểm soát, giám sát nội bộ thường bị vô hiệu”, báo cáo của CIEM viết.

Kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức trung bình

Báo cáo của CIEM cho hay giai đoạn 2011 – 2020 ước tính sẽ đạt mục tiêu “chuyển doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp đa sở hữu” thông qua việc cổ phần hóa khoảng 750 doanh nghiệp.

Mặc dù đã thu được một số thành tựu nhưng CIEM cho rằng đến năm 2020, Việt Nam vẫn khó đạt mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, vì vậy mục tiêu của tái cơ cấu là “doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn” chưa đạt được.

Xét về mục tiêu nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, CIEM cho biết chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa doanh thu và nguồn lực đầu vào (vốn, tài sản). Điều này dẫn tới để tạo ra 1 đồng doanh thu, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp khác.

Chỉ số vay vòng vốn (hiệu quả sử dụng vốn) của doanh nghiệp nhà nước hiện đang đứng thấp nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp theo sở hữu. Giai đoạn 2015 – 2017, chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 0,47; 0,38 và 0,34 – thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước, lần lượt là 0,66; 0,67 và 0,67.

Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước cũng thấp hơn so với giai đoạn trước; rủi ro vay nợ vẫn còn lớn (vào năm 2017, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là 4,2 lần, cao nhất trong 3 nhóm doanh nghiệp).

Vị trí của doanh nghiệp nhà nước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng khá khiêm tốn, khi doanh thu chỉ chiếm 11% và tài sản chỉ chiếm 8%.

Đánh giá chung về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, CIEM cho rằng mục tiêu “sắp xếp, cổ phần hóa thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn” chỉ hoàn thành ở mức thấp.

Mục tiêu “đầu tư không dàn trải, nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý, năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, bình đẳng với doanh nghiệp khác” chỉ hoàn thành ở mức độ trung bình.

Mục tiêu “tập trung xử lí dứt điểm các tồn tại, yếu kém phù hợp với quy định của pháp luật, theo cơ chế thị trường” chưa hoàn thành.

Mục tiêu “hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát, sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành/địa phương” chỉ hoàn thành ở mức độ trung bình.

Tin mới lên