Thị trường

[Xưa và nay] Sau 24 năm, hãng bánh kẹo "tuổi thơ" Kinh Đô giờ ra sao?

(VNF) – Trước đây, hễ cứ nhắc đến bánh kẹo là người ta lại nhớ ngay đến Kinh Đô. Hình ảnh "vương miện đỏ" đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, sau 3 năm chia tay "mối tình đầu", Kinh Đô (giờ là KIDO) đã hoàn toàn "thay da đổi thịt".

[Xưa và nay] Sau 24 năm, hãng bánh kẹo "tuổi thơ" Kinh Đô giờ ra sao?

Sau 24 năm hoạt động, Công ty cổ phần Kinh Đô, hiện nay là Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO, đã hoàn toàn gia nhập vào ngành hàng Thực phẩm và Gia vị với 3 mảng kinh doanh chính: ngành lạnh, dầu ăn và mỳ gói.

Xưa - Hãng bánh kẹo "tuổi thơ"

Khi thị trường tiêu dùng Việt vẫn còn ở thưở sơ khai, có rất ít các thương hiệu tham gia phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, những thương hiệu này đều thành công trong việc ghi lại dấu ấn cá tính riêng của mình, trong đó có Công ty cồ phần Kinh Đô.

Biểu tượng chiếc "vương miện đỏ" đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt, nhất là thế hệ 8x và 9x "đời đầu". Nhiều sản phẩm bánh kẹo Kinh Đô đã "bám rễ" sâu vào tâm trí người tiêu dùng như bánh quy Cosy, bánh bông lan Solite, bánh quy giòn AFC hay bánh quy Oreo. Thậm chí, cứ hễ nhắc đến bánh kẹo là nhắc đến Kinh Đô.

Biểu tượng chiếc "vương miện đỏ" đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt, nhất là thế hệ 8x và 9x đời đầu.

Chính thức góp mặt trên thị trường từ năm 1993 với sản phẩm snack, Kinh Đô bắt đầu mở rộng ngành hàng với bánh mì tươi và bánh bơ vào năm 1996. Sản phẩm này nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi, cho đến nay, bánh mì tươi Kinh Đô vẫn là sản phẩm chủ lực của công ty này.

Đến năm 1998, bắt nhịp cùng ngành hàng bánh kẹo sôi động, Kinh Đô chính thức gia nhập thị trường với sản phẩm bánh trung thu. Những chiếc bánh trung thu Kinh Đô đậm hương vị truyền thống với nguyên liệu giản dị, gần gũi như đỗ xanh, lạc, vừng, thịt lợn, lá chanh,… mang đến dư vị chiếc bánh "ngon nhất" của tuổi thơ đã dễ dàng lấy lòng người tiêu dùng nhiều thế hệ. Gần 20 năm gắn bó với các gia đình Việt, bánh trung thu Kinh Đô thành công trở thành một phần ký ức tuổi thơ khó quên.

Gần 20 năm gắn bó với các gia đình Việt, bánh trung thu Kinh Đô thành công trở thành một phần ký ức tuổi thơ khó quên.

Có thể nói bánh trung thu là sản phẩm mang tính bước ngoặt trong chặng đường phát triển của Kinh Đô. Nếu ở mảng bánh kẹo, Kinh Đô chỉ chiếm hơn 30% thị phần thì với bánh trung thu, Kinh Đô hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường với hơn 70% thị phần tại Việt Nam.

Năm 2003, Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall’s từ tập đoàn Unilever và thành lập Công ty cổ phần kem KIDO, chính thức dấn thân vào ngành hàng đông lạnh. Thương vụ cũng này đánh dấu sự kiện đột phá của doanh nghiệp Việt Nam thời điểm đó. Với hai thương hiệu kem nổi tiếng Merino và Celano, Kinh Đô đã tạo nên mức tăng trưởng hàng năm 20%.

Nay – Dấu ấn mang tên KIDO

Sau 24 năm hoạt động, Công ty cổ phần Kinh Đô, hiện nay là Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO, đã hoàn toàn gia nhập vào ngành hàng thực phẩm và gia vị với 3 mảng kinh doanh chính: ngành lạnh, dầu ăn và mỳ gói.

Kể từ tháng 10/2014, Kinh Đô chính thức "chia tay" mảng bánh kẹo, vốn được coi là "linh hồn" của công ty, khi bán tới 80% cổ phần cho tập đoàn Mondelez International và tiếp tục bán nốt 20% cổ phần vào tháng 7/2015. Điều này không khỏi khiến nhiều người bất ngờ và nuối tiếc.

Sau khi thương vụ hoàn tất, Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào tháng 10/2015. Động thái này thể hiện quyết tâm chuyển đổi lĩnh vực của KIDO, chính thức gia nhập vào ngành hàng thực phẩm và gia vị có quy mô 193.500 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO gia nhập vào ngành hàng Thực phẩm và Gia vị với 3 mảng kinh doanh chính: ngành lạnh, dầu ăn và mỳ gói.

Thực tế, KIDO đã bắt đầu khởi động chiến dịch này từ năm 2014 khi hợp tác cùng Vewong và Vocarimex để mở rộng sang lĩnh vực mì gói và dầu ăn. Cụ thể, với việc sở hữu phần lớn cổ phần ở Vocarimex (Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam), đơn vị đang kiểm soát 95% thị phần dầu ăn tại Việt Nam qua các công ty con, công ty liên doanh, liên kết như Dầu Tường An, Dầu Cái Lân, Nhà Bè Hope, quả thật không khó để KIDO "tạo sóng" tại mặt hàng này.

Đồng thời, sau khi hợp tác toàn diện với Công ty Sài Gòn Vewong, công ty mì có thị phần đứng thứ 5 tại thời điểm đó, KIDO đã cho ra mắt sản phẩm mỳ gói Đại Gia Đình, với định vị phân khúc phổ thông, mức giá chỉ từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng/gói.

Hiện tại, kem và sữa chua đang là mảng kinh doanh nổi bật của KIDO, chiếm tỷ trọng tới 63% tổng doanh thu và đem lại biên lợi nhuận gộp cao, đạt 55 – 60%. Kết thúc năm 2016, mảng kem của KIDO tiếp tục dẫn đầu thị trường với 37% thị phần, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ, đặc biệt là Unilever.

Đây cũng chính là nguyên nhân giúp tỷ suất lợi nhuận chung của KIDO tăng mạnh trong năm 2016, thậm chí vượt qua nhưng công ty thực phẩm hàng đầu như Masan Consumer hay Vinamilk.

Kem và sữa chua đang là mảng kinh doanh nổi bật của KIDO, chiếm tỷ trọng tới 63% tổng doanh thu và đem lại biên lợi nhuận gộp cao, đạt 55 – 60%.

Mặc dù đem về doanh thu 1.405 tỷ đồng, tăng trưởng tới 35% trong năm 2016, nhưng mảng kem và sữa chua lại bị đánh giá là khó có thể thành công được như mảng bánh kẹo trước đây của Kinh Đô. Lý do là vì quy mô của ngành kem khá bé. Theo báo cáo của Euromonitor, quy mô ngành kem chỉ trên dưới 2.400 tỷ đồng, còn chưa bằng một nửa doanh thu của riêng KIDO thời còn đi bán bánh kẹo.

Còn đối với mảng sữa chua, quy mô ngành lên đến 9.300 tỷ đồng, gấp 4 lần mảng kem nhưng đây không phải là thế mạnh của KIDO, cũng như rất khó cạnh tranh được với "gã khồng lồ" Vinamilk.

Ngoài ra, từ năm 2015, KIDO đã cho ra mắt thành công sản phẩm bánh bao và bánh mì đông lạnh được hâm nóng ngay tại điểm bán lẻ dưới hình thức như một sản phẩm tiện lợi. Đây là sản phẩm tiềm năng, có mức sinh lời cao khi tỷ suất lợi nhuận khoảng 40 – 50%. Dù mới ra mắt chưa được bao lâu nhưng bánh bao đã sớm mang lợi nhuận về cho tập đoàn này.

Ở mảng thực phẩm đông lạnh, KIDO tiếp tục thể hiện tham vọng lớn khi thâu tóm Công ty chế biến thực phẩm Dabaco có quy mô trung bình trong ngành thực phẩm chế biến vào tháng 6 vừa qua. Theo đó, trong quý IV năm nay, KIDO dự kiến sẽ mở rộng danh mục sản phẩm mới đến từ Dabaco Foods, bao gồm xúc xích tươi, đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn.

 Từ năm 2015, KIDO đã cho ra mắt thành công sản phẩm bánh bao và bánh mì đông lạnh.

Mảng dầu ăn của KIDO nổi lên nhanh chóng sau hai thương vụ thâu tóm, từ Vocarimex cho tới Tường An. Bằng việc sở hữu 65% cổ phần tại Tường An từ cuối năm 2016 và nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% cổ phần tại Vocarimex, KIDO đã chính thức trở thành "ông trùm" ngành dầu ăn tại Việt Nam.

Năm vừa rồi, doanh thu mảng dầu ăn tăng mạnh, lên tới 738 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và chiếm 1/3 doanh thu thuần. Hiện mảng dầu ăn của KIDO gồm hai sản phẩm chính là dầu ăn Đại Gia Đình (thuộc công ty mẹ) và dầu ăn Tường An.

Đáng thất vọng nhất phải kể đến mảng mì ăn liền, doanh thu nhiều năm của mì Đại Gia Đình chỉ đạt vài tỷ đồng và đóng góp chưa đến 2% tổng doanh thu. Do đó, hiện tại KIDO đã dừng mảng mì ăn liền và không ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ mảng này trong năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường mì ăn liền đã trở nên bão hòa cũng áp lực từ thị trường cạnh tranh quá khốc liệt, vốn là sân chơi của hai "đại gia" Masan và Acecook.

Tin mới lên