Tiêu điểm

[VNF cuối tuần]: Xoilac.tv, khoảng trống truyền thông, khoảng lặng truyền hình

(VNF) – Việc VTV “hụt chân” bản quyền Asiad đã để lại một khoảng trống rất lớn, tạo điều kiện cho các trang web vô danh vươn lên “làm chủ”.

[VNF cuối tuần]: Xoilac.tv, khoảng trống truyền thông, khoảng lặng truyền hình

Bản quyền Adiad đang là vấn đề gây tranh cãi trong dư luận, trong bối cảnh U23 Việt Nam đang có thành tích thi đấu ấn tượng. Ảnh minh họa

Ngày 8/6/2018, VTV chính thức mua được bản quyền World Cup, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Vingroup và Viettel. Nhưng “phép màu” đã không lặp lại, hai tháng sau, ngày 13/8, VTV ngậm ngùi xác nhận nhà đài không có bản quyền Asiad 2018.

Những Mạnh Thường Quân, những người đã mở hầu bao giúp VTV hồi tháng 6, đã không chịu “tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Những người “chưa tắm lần nào” cũng lặng im nốt. Và lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam không có bản quyền Asiad.

Bước chân hụt của VTV tại Asiad năm nay diễn ra trong bối cảnh người hâm mộ thể thao nước nhà đang háo hức đón chờ màn trình diễn của đội tuyển U23 Việt Nam. Thế nên, một khoảng trống truyền thông rất lớn đã xuất hiện ngay trong đêm 13/8.

Ngày 14/8, đội tuyển U23 Việt Nam đá trận đầu tiên tại Asiad. Và kẻ thế chân VTV đã xuất hiện, có tên Xôi Lạc TV với tên miền xoilac.tv

Từ một website vô danh, xoilac.tv lập tức nổi như cồn chỉ sau một trận bóng. Trang web này đã lấp chỗ trống của VTV hoàn hảo đến mức không thể hoàn hảo hơn. Không chỉ hút số lượng người xem trực tuyến cao ngất ngưởng, xoilac.tv còn được chia sẻ, nhắc tên, bàn luận rôm rả trên cả mạng xã hội lẫn báo chí chính thống trong khi không tốn một đồng quảng cáo nào.

Sự thất thế của VTV và sự vươn lên đầy ngoạn mục của xoilac.tv đã cho thấy một thực tế đáng sợ trong truyền thông hiện đại. Hôm nay là Asiad, ngày mai sẽ là gì? Hôm nay là xoilac.tv, ngày mai sẽ là trang web nào khác?

Kỷ nguyên Internet đang cung cấp cho mạng xã hội và các nhà điều hành website những cơ hội chưa từng có. Nó đồng thời cũng đặt lên vai những ông lớn như VTV áp lực khổng lồ.

VTV đã không thể tự chi trả khoản tiền 14 – 15 triệu USD cho bản quyền World Cup cũng như không thể chi trả 4 triệu USD cho bản quyền Asiad. Không ai có thể trách cứ VTV bởi ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp không thể ném tiền vào một dự án đầu tư cầm chắc thua lỗ.

Nhưng VTV sẽ phải tự xem lại mình, nếu không muốn tiếp tục đánh mất khách hàng vào tay của những website như xoilac.tv.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ở tất cả các giải đấu lớn VTV “trắng bụng” và người xem đổ dồn vào các website như xoilac.tv? Sau xoilac.tv, rồi sẽ có những Xôi Lạc khác?

Câu chuyện rốt lại chỉ xoay quanh ở vấn đề bản quyền. Nhưng bản quyền cũng là câu chuyện nói mãi không hết ở Việt Nam.

Và một điều có thể chắc chắn là chừng nào còn dùng được hàng lậu, chừng đó những kênh như xoilac.tv còn tồn tại và VTV còn phải xem lại địa vị của mình.

Trách cứ người xem “tiếp tay” cho vi phạm bản quyền cũng khó như trách cứ VTV đã không giữ thể diện của một đài truyền hình quốc gia. Chỉ là khi người trong xã hội có nhu cầu thì xã hội sẽ có cách để đáp ứng nhu cầu đấy, hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác. Vậy thôi!

Tin mới lên