Diễn đàn VNF

Vì sao phải tăng tuổi nghỉ hưu?

(VNF) - Đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội đang đặt vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1/1/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Vậy vì sao lại phải tăng tuổi nghỉ hưu?

Vì sao phải tăng tuổi nghỉ hưu?

Đề án cải cách chính sách tiền lương và BHXH đang đặt vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1/1/2021.

Chống già hóa dân số

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) cho biết, nếu không bàn tới tăng tuổi nghỉ hưu thì khó bảo đảm quỹ. Quyết định này có tác động lâu dài hàng chục năm nhưng phải hành động mau lẹ trong thời gian ngắn. “Bài học Italy điều chỉnh 4 tuổi nghỉ hưu trong 10 năm đã làm cho thị trường lao động rối loạn trong 20 năm sau này”, Phó Thủ tướng nói.

Từ góc độ là cơ quan tham gia xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương và BHXH, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tất cả các thành viên khi xây dựng Đề án, liên quan tới tuổi nghỉ hưu, đều cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ vấn đề cân đối quỹ, chẳng hạn vấn đề kinh tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, năng suất lao động, số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, bình đẳng giới và cân đối quỹ…

Trong khi đó, theo ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Đề án nêu lên 8 yếu tố đột phá nhằm phúc đáp quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân, trong đó có nội dung đáng chú ý là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo ông Giang, trong bối cảnh già hóa dân số, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu của tất cả các nước, không riêng Việt Nam.

Ông Giang cho rằng, phương án xin ý kiến Trung ương về tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để vừa đạt mục tiêu tăng tuổi nghỉ chung, vừa thu hẹp dần khoảng cách về giới trong tuổi nghỉ hưu. Những ngành nghề đặc biệt có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi. "Kinh nghiệm các nước đã từng thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động", ông Giang nói.

Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2000, cả nước có 1,7 triệu người “bước vào” tuổi lao động và 500.000 người nghỉ hưu.

Nhưng tới năm 2035, tỷ lệ như trên lần lượt là hơn 1,5 triệu người và 1,3 triệu người. Như vậy, số người lao động tăng mới chỉ là hơn 200.000 người và bằng …1/5 số người nghỉ hưu. Đây là thực trạng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH là rất đáng lo ngại về nguy cơ mất cân đối giữa tỷ lệ lao động làm việc và nghỉ hưu trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi hưu thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là tác động trực tiếp hàng chục triệu người lao động. Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng việc điều chỉnh tuổi hưu đang là xu thế chung của thế giới. Việc điều chỉnh tuổi hưu được xem là giải pháp tất yếu nhằm đối phó với tốc độ già hoá dân số, bình đẳng giới, nhu cầu thị trường cũng như việc cân đối dài hạn của quỹ BHXH.

Đứng ở góc độ tuổi hưu và độ bền vững của Quỹ BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tuổi nghỉ hưu của lao động đã được quy định từ năm 1960, tức là cách đây tới gần 60 năm. Theo đó, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 55. Khi đó, tuổi hưu bình quân của người lao động chỉ trên 40 tuổi.

“Tới nay, VN là một trong số những quốc gia có tuổi thọ cao nhất trong khu vực, lao động nam sau khi nghỉ hưu có tuổi thọ 78 tuổi và nữ là 79,5 tuổi. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam lại thấp nhất trong khu vực với bình quân là 54,3 tuổi, trong đó lao động nam là 55,6 tuổi và lao động nữ là 52,6 tuổi”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.

Phân tích việc tất yếu phải điều chỉnh tuổi hưu, ông Đào Ngọc Dung dẫn chứng: “Tới năm 2017, cả nước có khoảng 1,3 triệu người bước vào độ tuổi lao động nhưng số người bước vào tuổi hưu đã xấp xỉ con số 1 triệu!”. Dự báo của Tổng cục Thống kê, tới năm 2035, số người bước vào tuổi lao động là hơn 1,5 triệu và tuổi hưu là 1,3 triệu người.

“Như vậy có thể thấy rằng, tới năm 2035, cả nước chỉ có thêm 200.000 người bước vào độ tuổi lao động và chỉ bằng 1/5 số người nghỉ hưu. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sự già hoá dân số và thiếu hụt lực lượng lao động”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

So sánh giữa tỷ lệ đóng và hưởng lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết mức đóng bình quân vào Quỹ BHXH là 22% và mức hưởng trung bình là 70%. Trong đó, nam giới đóng BHXH bình quân là 28 năm và có thời gian sống để hưởng lương hưu (sau 60 tuổi) là 22,5 năm; lao động nữ đóng 23 năm và hưởng tới 27 năm.

“Thực tế trên cho thấy, bài toán tự thân để cân đối quỹ BHXH rất khó khăn. Đây là một thời cơ vàng để chúng ta quyết định chủ trương điều chỉnh tuổi hưu. Mặc dù có thể ý kiến khác nhau nhưng về lộ trình nên giao cho cơ quan chuyên môn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm.

Cơ sở tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

Liên quan tới tuổi hưu, tại Hội nghị Trung ương 7, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã chia sẻ 4 vấn đề. Về việc chọn năm 2021 là thời điểm điều chỉnh tuổi hưu. Đây là mốc để cân đối sao cho người lao động nữ khi bắt đầu hưởng chính sách hưu mới sẽ từ năm 2026 với tuổi hưu là 56 tuổi. “Đó cũng chính thức là thời điểm dân số Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số”, Bộ trưởng Dung nói.

Lộ trình điều chỉnh tuổi hưu ban đầu được đưa ra với 2 phương án. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, việc tăng tuổi hưu nên chọn theo phương án 1, tức là tăng dần mỗi năm 3 tháng, tính từ năm 2021. “Như vậy, sau 20 năm tính từ năm 2021, Việt Nam mới hoàn thiện lộ trình tăng tuổi hưu của lao động nữ lên 60. Với lao động nam, chúng ta cần 8 năm tính từ năm 2021 để hoàn thiện lộ trình tăng tuổi hưu lên 62 tuổi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Với lao động đặc thù, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người lao động ở ngành đặc biệt có thể nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn mức trung bình 5 tuổi. Việc thực hiện này vẫn đang được áp dụng với những lao động có tính đặc thù. “Các chuyên gia, nhà khoa học giỏi, lao động ở ngành Tòa án hoặc Viện kiểm sát... có thể được kéo dài tuổi làm việc tới 65 tuổi.

Tương tự, lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại ở 8 ngành cụ thể có thể nghỉ hưu trước tuổi 55, hoặc chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án xin nghỉ sớm vì lý do cá nhân...”, Bộ trưởng Dung nêu ví dụ.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ nay tới năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình đề xuất việc điều chỉnh tới một số nhóm đối tượng theo tinh thần như Khoản 3, Điều 187 của Luật Lao động.

Trong khi đó, theo các chuyên gia lao động trong nước và quốc tế, tăng tuổi hưu hiện đang là vấn đề toàn cầu, sớm hay muộn cũng phải thực hiện nâng tuổi hưu. Hiện, Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực châu Á với khoảng 10 triệu người tuổi từ 60 trở lên. Tuổi thọ trung bình của những người sau 60 tuổi tại Việt Nam là 22 năm trong đó số năm khỏe mạnh là 13,8 năm đối với nam và 16,1 năm đối với nữ, có nghĩa số người ở tuổi 60 vẫn có thể lao động.

Hiện, nhiều ngành nghề đã cải thiện môi trường làm việc và giảm thiểu các yếu tố hao mòn sức khỏe của người lao động. Mặt khác, với trên 65% số lao động tuổi trên 50 vẫn tiếp tục làm việc và khoảng 40% độ tuổi 70-74 vẫn đang đi làm cho thấy chuyện kéo dài tuổi lao động - hay tăng tuổi nghỉ hưu là có cơ sở.

Tin mới lên