Ngân hàng

VCSC: Nhà đầu tư chiến lược tiềm năng của BIDV là ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana

(VNF) - “Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana. Thương vụ này nếu thành công sẽ là yếu tố quan trọng để đưa hệ thống BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel II”, VCSC cho hay.

VCSC: Nhà đầu tư chiến lược tiềm năng của BIDV là ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana

Nhà đầu tư chiến lược tiềm năng của BIDV là ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana?

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo VCSC, triển vọng tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược sau 8 năm của BIDV đang dần rõ nét.

BIDV cho biết, tỷ lệ CAR tính riêng ngân hàng mẹ chỉ cao hơn 9% trong khi CAR hợp nhất chỉ đạt 10,8%, là rất thấp so với tỷ lệ chung của hệ thống ngân hàng. Trong ĐHCĐ thường niên, ban lãnh đạo của BIDV cũng cho biết ngân hàng đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với các nhà đầu tư nước ngoài và đang chờ đợi sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trước khi chốt mức giá cho nhà đầu tư chiến lược.

“Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana. Thương vụ này nếu thành công sẽ là yếu tố quan trọng để đưa hệ thống BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel II”, VCSC cho hay.

Ngoài thương vụ phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược, VCSC nhận định rằng thương vụ phát hành 10% cho nhà đầu tư trong nước được đề cập tại ĐHCĐ thường niên có khả năng diễn ra khá thấp.

Trong một diễn biến khác, ở mảng bảo hiểm, BIDV đã nỗ lực xây dựng hệ thống bancasurrance với liên doanh bảo hiểm nhân thọ cùng MetLife kể từ năm 2013. Tuy nhiên, liên doanh này vẫn đang gặp khó khăn để thực hiện mục tiêu lọt vào trong top 10 công ty có thị phần lớn nhất.

Theo VCSC, có thông tin trên thị trường cho biết BIDV đang trong quá trình thoái vốn khỏi MetLife.

Ở mảng cho vay, cho vay bán lẻ và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) đang thúc đẩy lợi suất tài sản phát sinh lãi của BIDV trong năm 2018.

“Chúng tôi dự phóng danh mục cho vay bán lẻ sẽ tăng 40% và chiếm 37% dự nợ hiện tại. Tỷ trọng SME trong tổng dư nợ là xấp xỉ 25% trong năm 2017, và chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ này sẽ duy trì trong năm 2018”, VCSC đánh giá.

Năm 2018, VCSC cho rằng chi phí dự phòng vẫn sẽ là gánh nặng cho tăng trưởng lợi nhuận của BIDV.

“Chúng tôi dự báo BIDV sẽ tiếp tục phương pháp tích cực dự phòng tương tự năm 2017 và quý I/2018. Chi phí dự phòng nhiều khả năng tăng mạnh 24%, chiếm 40% lợi nhuận thuần năm 2018”, VCSC cho biết.

Tin mới lên