Tiêu điểm

Ủy ban Kinh tế: Đất, dầu thô, cổ tức đang là trụ đỡ của ngân sách nhà nước

(VNF) – Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, số tăng thu ngân sách năm 2017 chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức, lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước mà không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế: Đất, dầu thô, cổ tức đang là trụ đỡ của ngân sách nhà nước

Năm 2017 chỉ đạt 12/13 chỉ tiêu

Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (trong năm 2017), trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã báo cáo kết quả ước tính thực hiện cả năm 2017.

Đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy có thêm một số chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch và đạt kết quả tích cực hơn. Cụ thể, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch (báo cáo trước đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch).

8 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 21,2% (đã báo cáo 14,4%), xuất siêu 2,9 tỷ USD (đã báo cáo nhập siêu tương đương 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu), giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1,51 % (đã báo cáo 1 - 1,5%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 86,4% (đã báo cáo 83%); tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53 % (đã báo cáo khoảng 4%) và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị 3,14% (đã báo cáo dưới 4%).

Bên cạnh đó, có 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn so với số đã báo cáo, trong đó có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP).

Các trụ cột tăng trưởng chưa bền vững

Trong báo cáo của mình, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề.

Một là báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020. Mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.

Kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Số vốn trong các doanh nghiệp nhà nước được bán cho các nhà đầu tư còn thấp, do vậy không tạo ra nhiều thay đổi tích cực về quản trị doanh nghiệp, hoạch định chiến lược và tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 72% (riêng Tập đoàn Samsung tại Việt Nam xuất khẩu 53,3 tỷ USD, chiếm khoảng 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam).

Năng suất lao động xã hội năm 2017 mặc dù đã có sự cải thiện (93,2 triệu đồng) cao hơn so với năm 2016 (84,5 triệu đồng) nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước ASEAN, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Do tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch về năng suất lao động giữa nước ta và các nước tiếp tục gia tăng, sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và khó khăn trong việc thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Về thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017, dù đã vượt 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so với dự toán tuy nhiên, ngân sách trung ương bị hụt thu, chưa phát huy được vai trò chủ đạo theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Số tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước mà không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo.

Nợ đọng thuế năm 2017 là 73.145 tỷ đồng, tuy giảm so với năm 2016 nhưng vẫn còn lớn, chiếm 7,6% tổng thu nội địa. Đáng nói, khoản nợ đọng thuế này chưa được báo cáo rõ về nguyên nhân, giải pháp chống thất thu, nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ chậm; số chuyển nguồn ngân sách nhà nước còn khá lớn, kéo dài phản ánh không đúng số thực thu, thực chi ngân sách địa phương.

“Việc giải ngân chậm vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho thấy những hạn chế đã tồn tại từ lâu trong khâu tổ chức thực hiện, chưa có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ , đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, ban quản lý dự án trong từng khâu của quá trình giải ngân để sớm khắc phục tình trạng này”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề cập thực trạng tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, số vụ án tham nhũng và số bị can bị khởi tố tăng so với năm 2016. Việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương.

“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có ý kiến đề nghị cần tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP hàng năm để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này”, Ủy ban Kinh tế cho hay.

Tin mới lên