Diễn đàn VNF

Từ Brexit nghĩ về Cộng đồng kinh tế ASEAN

(VNF) - Góc nhìn của GS.TSKH Nguyễn Mại về tương lai của Cộng đồng ASEAN trong liên hệ với sự kiện Brexit vừa diễn ra.

Từ Brexit nghĩ về Cộng đồng kinh tế ASEAN

"Nguyên nhân chính mà đa số người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit là họ không được hưởng những lợi ích đáng có khi là thành viên EU, lợi ích của Anh không hài hòa với lợi ích của EU, do đó việc trở thành quốc gia độc lập với EU sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân Anh.

Hiến chương ASEAN đề ra mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AC) là "đoàn kết với nhau bởi một Tầm nhìn, một Bản sắc, một Cộng đồng đùm bọc và chia sẻ, gắn kết với nhau bởi một khát vọng chung và ý chí tập thể được sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng bền vững, tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung và nhằm mục đích thúc đẩy các lợi ích, nguyện vọng và lý tưởng quan trọng".

Trong lịch sử phát triển của ASEAN xung đột lợi ích giữa các quốc gia đã diễn ra khá nhiều, vấn đề hài hòa lợi ích dân tộc với lợi ích của AC đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là bài học cần được rút ra từ Brexit đòi hỏi lãnh đạo các nước ASEAN thông qua đối thoại thẳng thắn và cởi mở để giải quyết bất đồng trong từng vấn đề, từng sự kiện nhằm hài hòa lợi ích trên cơ sở tôn trọng và nhân nhượng lẫn nhau để cùng theo đuổi mục tiêu chung của AC.

Về kinh tế, việc hình thành AC đang tạo ra nhiều thuận lợi về đầu tư và thương mại nhờ vào một thị trường chung với diện tích đất 4,46 triệu km²,  3% tổng diện tích đất của trái đất, dân 600 triệu người, 8,8% dân số thế giới, đồng thời đặt ra vấn đề hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa các quốc gia, doanh nghiệp để cùng phát triển.

Những lo ngại về việc nhiều đại gia Thái Lan đang thôn tính thị trường bán buôn và bán lẻ Việt Nam là một minh chứng về việc Chính phủ và các bộ cần thông tin minh bạch, công khai với doanh nghiệp và người dân về quá trình hình thành thị trường chung về hàng hóa và dịch vụ của ASEAN, đề ra chính sách, cơ chế mới để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội mở rộng đầu tư và kinh doanh trên toàn bộ thị trường đồng nhất trong khu vực.

Nếu sự ngờ vực của doanh nghiệp và người dân không được khắc phục kịp thời thì sẽ tích tụ dần trở thành phản kháng tự vệ, khó tránh khỏi hậu quả như Brexit của Anh.

Về chính trị và an ninh trong một thế giới đầy biến động và khó lường trước đòi hỏi phải tăng cường đoàn kết với nhau. Đáng tiếc là qua một số sự kiện đã xảy ra tại các cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN thì lòng mong muốn đó chưa trở thành hiện thực làm giảm niềm tin của người dân vào AC.

ASEAN đang thực hiện nguyên tắc đồng thuận, tuy vậy không phải trong hoàn cảnh và sự kiện nào cơ chế đó cũng có tác động tích cực, vì thế nhiều chuyên gia luật pháp kiến nghị cần có cơ chế thích ứng với tình hình khu vực và thế giới hiện nay để ứng phó có hiệu quả trong quan hệ đối nội giữa các quốc gia thành viên AC, cũng như với các nước đối tác.

Mọi sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN làm tổn thất lợi ích Cộng đồng, cũng như lợi ích dân tộc của từng quốc gia thành viên. Đó cũng là bài học cần được rút ra từ Brexit đối với quá trình phát triển ASEAN.

ASEAN đang tiến vào giai đoạn mới - hình thành AC, đó là bước tiến lớn, biến đổi về chất từ Khu vực mậu dịch tự do - AFTA đến Cộng đồng ASEAN đòi hỏi nước ta phải tổ chức nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh thông qua theo dõi biến động của thế giới và đất nước để chủ động đề ra đối sách thích hợp và kịp thời bảo đảm lợi ích dân tộc trong quá trình hài hòa với lợi ích của AC, đóng góp tích cực xây dựng AC theo định hướng của Hiến chương ASEAN".

Tin mới lên