Tài chính

TTCK tháng 4/2018: Tâm điểm cổ phiếu ngân hàng, BĐS, F&B, tài chính và ‘ẩn số’ dầu khí

(VNF) – Theo VDSC, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó tiêu biểu là các cổ phiếu nhóm ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng (F&B), tài chính hay thậm chí "ẩn số" dầu khí sẽ trở thành trợ lực cho VN-Index trong tháng 4/2018.

TTCK tháng 4/2018: Tâm điểm cổ phiếu ngân hàng, BĐS, F&B, tài chính và ‘ẩn số’ dầu khí

Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, F&B, tài chính và ‘ẩn số’ dầu khí sẽ trở thành trợ lực cho VN-Index trong tháng 4/2018?

VN-Index đóng cửa tháng Ba thành công ngay trên mức đỉnh lịch sử 1.170. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng (4,4%) đã chậm lại đáng kể nếu so với con số 11,5% mà VN-Index ghi nhận trong tháng Một.

Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 4/2018 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), "điểm trừ" đáng chú ý nhất trong tháng qua là độ rộng thị trường không quá tích cực. VDSC cho rằng, dù sự chênh lệch giữa số lượng mã tăng và giảm đã thu hẹp dần trong tháng Ba, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt đối với dòng tiền.

Nhìn lại tháng Ba, nhóm VNMID dẫn đầu tăng trưởng (+5,7%), theo sau là VN30 (+3,9%) và VNSML (-0,1%). Tuy nhiên, nếu quan sát từ đầu năm đến nay, VN30 mới là nhóm dẫn đầu cuộc đua với mức tăng 16,2%, bỏ xa hai nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ. Thanh khoản tại rổ VN30 cũng ghi nhận mức tăng lớn nhất toàn thị trường. Nếu như tổng giá trị khối lượng giao dịch trên HSX trong quý I tăng gần 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ (+115%) thì hơn 75% giá trị tăng thêm này đến từ nhóm VN30

Ngay bản thân rổ các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng ghi nhận mức độ phân hóa cao; trong đó, các mã ngân hàng tiếp tục là tâm điểm khi đóng góp 4 cái tên trong top 10 tỷ suất lợi nhuận.

Ngoài ngân hàng, chỉ có nhóm bất động sản ghi nhận tỷ trọng vốn hóa tăng lên (từ 11,5% lên 15,1%) trong giai đoạn này, với đóng góp lớn đến từ VIC và VRE. "Vị thế của nhóm bất động sản sẽ còn tiếp tục gia tăng với sự góp mặt của Vinhomes trong thời gian tới", VDSC nhìn nhận.

Các mã cổ phiếu tăng mạnh nhất VN-Index từ đầu năm 2018 đều có sự góp mặt của nhóm ngân hàng, tài chính, bất động sản, F&B và dầu khí

Theo VDSC, hiện có khá nhiều thông tin đang ủng hộ kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán.

Đầu tiên, nền vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 tốt đẹp cùng với mức lạm phát vẫn đang được kiểm soát, tỷ giá không có nhiều biến động mà mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu sẽ sớm tăng trở lại.

"Có một điều lưu ý là trong 3 năm gần đây, tăng trưởng GDP quý I thường vào mức thấp nhất năm nhưng năm nay lại tỏ ra cao đột biến, một phần vì cùng kỳ 2017 mức tăng trưởng GDP không cao. Do đó, liệu rằng, xu hướng ‘quý sau cao hơn quý trước’ có đảo chiều trong năm nay hay không sẽ là một dấu hỏi vào Q2 sắp tới", VDSC nêu quan điểm.

Thứ hai, không thể bỏ qua mùa công bố kết quả kinh doanh quý I và họp ĐHĐCĐ. Một số ước tính sơ bộ của VDSC thông qua các kế hoạch 2018 của doanh nghiệp thì có vẻ như tình hình kinh doanh đang khá khả quan. Lợi nhuận kế hoạch dự kiến tăng trưởng 20%.

"Mặc dù vậy, có một điểm lưu ý ở đây đó là nếu căn cứ theo mức tăng về lợi nhuận dựa trên kế hoạch các doanh nghiệp sơ bộ thì có thể thấy mức tăng của chỉ số trong quý I/2018 (19,7%) đã phần nào phản ánh hết kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận nêu trên", VDSC đánh giá.

Thứ ba, chứng quyền có đảm bảo sau một thời gian dài được giới thiệu, truyền thông và hướng dẫn đến nhà đầu tư có thể sẽ được triển khai vào giai đoạn cuối tháng Tư – đầu tháng Năm. Theo VDSC, đây là sản phẩm mới, mang lại hiệu quả đầu tư cao lại vừa phòng ngừa rủi ro tốt hơn chứng khoán cơ sở. Sự ra đời của chứng quyền có bảo đảm được kỳ vọng góp phần cho thị trường sôi động hơn, gia tăng thanh khoản và thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài cụ thể ở các mã đang "full room".

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có những yếu tố không tích cực cho thị trường.

Thứ nhất, rủi ro với chiến tranh thương mại trước mắt giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo hiệu ứng dây chuyền đến tình hình giao thương của toàn cầu. Tác động tiêu cực dễ nhận thấy trước mắt là tổng lượng hàng hóa thương mại sẽ suy giảm. Tiếp theo là quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia và cuối cùng là làm gia tăng tính bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Thứ hai, FED dự kiến nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018. VDSC cho rằng FED thậm chí có thể tăng 4 lần trong năm 2018 khi cơ quan này tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong cuộc họp chính sách vào tháng Ba vừa qua. Nếu FED nâng lãi suất vào tháng Năm thì nhiều khả năng thị trường sẽ phản ứng trước vào tháng Tư trước đó.

"Nhắc lại trong bối cảnh thị trường đang lưng chừng ở mốc cao lịch sử thì độ nhạy cảm với các thông tin như vậy cũng sẽ đáng kể hơn. Điều này đã từng được chứng minh trong quý I vừa qua", VDSC cảnh báo.

Thứ ba, hạn chót để các công ty chứng khoán (CTCK) nâng tỷ lệ ký quỹ cho vay margin lên 60% sẽ rơi vào tháng Sáu sắp tới. Thị trường trong quý I cũng từng chứng kiến một số ít phiên "tụt áp" bất ngờ và được tin rằng là do vấn đề các CTCK đang từ từ hạ nhiệt dòng vốn margin. Do đó, theo VDSC, không thể loại trừ kịch bản này có thể lặp lại vào tháng Tư này.

"Như vậy, kịch bản 1 tích cực khi VN-Index tích lũy thêm tại vùng 1.170 – 1.200 trong tháng Tư và có thể bứt phá hướng đến mốc kháng cự tại vùng 1.250 – 1.265 điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó tiêu biểu là các cổ phiếu nhóm ngân hàng, bất động sản, F&B, tài chính hay thậm chí "ẩn số" dầu khí trở thành lực hỗ trợ cho VN-Index.

Bên cạnh đó, với tác động ngắn hạn từ kết quả kinh doanh quý I và họp ĐHĐCĐ, dòng tiền có thể tìm đến các cổ phiếu khác có câu chuyện và tiềm năng tăng trưởng khác. Dữ liệu lịch sử và các yếu tố ‘thuận chiều gió’ đang cho thấy kịch bản này được đánh giá cao: kể từ khi ra đời đến nay, chỉ số VN-Index tăng điểm 12/18 lần vào tháng Tư (xác suất 66,67%), gấp đôi số lần giảm điểm", VDSC nhận định.

Kịch bản 2 kém tích cực hơn, theo VDSC, là chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh. "Mức độ điều chỉnh có thể 5% - 7% là điều bình thường với thị trường ở giai đoạn này", VDSC cho hay.

Tin mới lên