Tài chính

Tin chứng khoán 26/9: 'Cuộc chiến không cân sức' giữa Petrolimex và PVOIL

(VNF) - Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tiền "nhàn rỗi" (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn) của Petrolimex lên đến 18.586 tỷ đồng. Lượng tiền này về mặt lý thuyết có thể... mua đứt PVOIL.

Tin chứng khoán 26/9: 'Cuộc chiến không cân sức' giữa Petrolimex và PVOIL

'Cuộc chiến không cân sức' giữa Petrolimex và PVOIL

Tin chứng khoán: Từ tranh cãi chuyện độc quyền nghĩ về cuộc chiến giữa Petrolimex và PVOIL

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) cho biết 8 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Petrolimex đạt 3.430 tỷ đồng.

Như vậy, Petrolimex đã hoàn thành 68,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm (5.000 tỷ) sau 8 tháng.

Cùng với đó, ông Thanh cũng cho biết thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank sẽ đem về cho Petrolimex khoản lợi nhuận lên đến 1.000 tỷ đồng.

Việc vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm xem như đang nằm trong tầm tay của Petrolimex.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, hiện có sự “hiểu nhầm” về việc Petrolimex chiếm 48% thị phần bán lẻ xăng dầu, cho rằng Petrolimex là doanh nghiệp rất lớn, độc quyền, chiếm vị thế thống lĩnh.

“48% thị phần bán lẻ này của Petrolimex không phải là sở hữu 100% Petrolimex, các đại lý đó là sở hữu của các thành phần kinh tế khác, họ tham gia vào hệ thống phân phối do Petrolimex lập ra”, ông Khánh nói và cho rằng, “nếu không thích, họ có thể ra đi bất cứ lúc nào”.

“Nếu ban lãnh đạo Petrolimex làm không tốt thì sau một đêm, thị phần có thể chỉ còn 10%, 38% kia chuyển sang làm đại lý cho PVOIL. 48% này là công lao của Petrolimex trong việc xây dựng hệ thống phân phối. Họ sẽ phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững hệ thống phân phối này”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Ý kiến này của ông Khánh gây tranh cãi, bởi không chỉ riêng Petrolimex, tuyệt đại đa số doanh nghiệp bán lẻ phụ thuộc vào nhà phân phối. Thậm chí, việc giữ chân các nhà phân phối xăng dầu đối với Petrolimex có phần dễ dàng hơn nhiều so với các ngành bán lẻ khác, bởi nếu nhà phân phối xăng dầu chuyển đổi đơn vị cung cấp (chẳng hạn từ Petrolimex sang PVOIL), chi phí chuyển đổi là rất đáng kể (thay nhận diện thương hiệu mới, làm quen với quy trình mới, tạm thời mất đi lượng khách nhất định...).

PVOIL (đơn vị khả dĩ nhất có thể "cướp" thị phần từ tay Petrolimex) khó lòng đem lại cho các nhà phân phối lợi ích vượt trội so với Petrolimex, bởi nguồn lực tài chính của PVOIL eo hẹp hơn rất nhiều.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2018, tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tiền "nhàn rỗi" (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn) của Petrolimex lên đến 18.586 tỷ đồng.

Lượng tiền này về mặt lý thuyết có thể... mua đứt PVOIL, bởi giá trị vốn hóa của PVOIL hiện ở mức 18.720 tỷ đồng.

Hơn thế nữa, lợi nhuận hàng năm của Petrolimex lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong khi của PVOIL chỉ vài trăm tỷ. Như 6 tháng đầu năm 2018, Petrolimex đạt lợi nhuận trước thuế 2.822 tỷ đồng, gấp tới hơn 7 lần con số 382 tỷ đồng của PVOIL. Lợi nhuận vượt trội, kéo theo dòng tiền hàng năm vượt trội, cho phép Petrolimex áp đảo PVOIL trong cuộc đua thị phần, dù là ở thành thị hay nông thôn.

Vấn đề duy nhất trong "cuộc chiến không cân sức" này là Petrolimex đã ở vị thế thống lĩnh thị trường vì có thị phần trên 30% (theo điều 12, mục 2 Luật Cạnh tranh) và thực tế, Petrolimex nắm tới 48% thị phần xăng dầu cả nước, vì thế, doanh nghiệp này không thể dùng sức mạnh tài chính để áp đảo các doanh nghiệp đối thủ do có thể vi phạm Luật Cạnh tranh.

Đà tăng của VN-Index có thể chậm lại

Phiên 25/9, thị trường giao dịch giằng co trong biên độ hẹp. Trên sàn HoSE, chỉ số VN-Index đóng cửa sát dưới mức tham chiếu tại 1.010,74 điểm (-0,55 điểm, -0,05%) do sự ảnh hưởng trái chiều từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. VN30-Index giảm nhẹ đóng cửa tại 985,11 điểm (-0,48 điểm, -0,05%) với 15 mã giảm và 12 mã tăng điểm.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến chỉ số ở chiều tăng có NVL, VRE, GAS, PVD, BHN và ngược lại ở chiều giảm là VCB, CTG, FPT, MBB. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ có diễn biến tích cực hơn khi VNMidcap-Index và VNSmallcap-Index tăng lần lượt 0,69% và 0,62%.

Điểm nhấn phiên 25/9 là nhóm Dầu Khí đồng thuận tăng điểm mạnh theo diễn biến tích cực của giá dầu, nổi bật có PVB (+7,3%), PVC (+7,6%), PVD (+5,0%), PXS (+5,1%) và GAS, PLX tăng nhẹ.

Nhóm Ngân hàng hạ nhiệt và đa phần điều chỉnh giảm ngoại trừ BID và STB tăng nhẹ. Nhóm Chứng khoán phân hóa với HCM và FTS tăng điểm trong khi SSI, VCI giảm nhẹ và VCI đóng cửa tham chiếu. Trong khi đó, nhóm Dệt may tiếp tục diễn biến tốt với TCM (+1,0%), STK (+4,3%) và TNG (+7,3%).

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VN-Index đã có phiên giao dịch giảm điểm với cây nến ngày là nến giảm Doji, cho thấy đà tăng đang chững lại khi mà một số chỉ báo phân tích kỹ thuật đã tăng lên cao quanh vùng quá mua. Thanh khoản đã tăng so với phiên liền trước và hình thành nền khối lượng giao dịch tuần cao hơn.

"Đà tăng của VN-Index có thể chậm lại, tuy nhiên xu hướng tăng của chỉ số có khả năng vẫn còn tiếp diễn hướng về ngưỡng 1020 và thử thách mốc này trong một hai phiên tiếp theo", SSI cho hay.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng, chỉ số VnIndex đang tiếp tục củng cố xu hướng tăng điểm từ cuối tháng 7 tới nay và hướng tới vùng 1024-1027 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên trong quá trình đi lên, thị trường có thể gặp phải áp lực điều chỉnh với các phiên tăng giảm đan xen

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên