Ngân hàng

Tiếp tục co hẹp phát hành tín phiếu, NHNN bơm ròng 26.000 tỷ ra thị trường

(VNF) – NHNN tiếp tục co hẹp phát hành tín phiếu, khiến 26.000 tỷ đồng được bơm ròng ra thị trường. Đây là tuần thứ hai liên tiếp dòng tiền chảy ngược lại hệ thống ngân hàng thương mại.

Tiếp tục co hẹp phát hành tín phiếu, NHNN bơm ròng 26.000 tỷ ra thị trường

NHNN bơm ròng tuần thứ 2 liên tiếp ra thị trường với khối lượng bơm lên đến 26.000 tỷ

NHNN bơm ròng 26.000 tỷ, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng

Theo bản tin tiền tệ tuần từ 2/4 - 6/4/2018 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục co hẹp phát hành tín phiếu, tổng khối lượng tín phiếu phát hành trong tuần chỉ đạt 16.700 tỷ. Trong khi đó, khối lượng tín phiếu đáo hạn lên đến 43.000 tỷ, khiến 26.300 tỷ được bơm ra thị trường.

Đây là tuần thứ hai liên tiếp dòng tiền chảy ngược lại hệ thống ngân hàng. Khối lượng tín phiếu đang lưu hành giảm còn 99.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn ở mức khá thấp. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 0,8% (tăng 0,1 điểm%), 1 tuần là 0,98% (tăng 0,13 điểm%), 1 tháng là 1,52% (tăng 2 điểm%).

"Nhu cầu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang tăng lên, vì vậy các yếu tố thị trường cần được theo dõi sát hơn trong thời gian tới", các chuyên gia SSI khuyến nghị.

Phiên thứ hai liên tiếp trái phiếu chính phủ 10 năm không thể phát hành

Kho bạc Nhà nước (KBNN) gọi thầu các kỳ hạn 7, 10 và 20 năm với tổng giá trị 3.500 tỷ đồng. Cầu trái phiếu vẫn ở mức khá với tỷ lệ đăng ký gấp 2,4 lần khối lượng chào thầu, cao nhất ở kỳ hạn 10 năm và 7 năm. Tuy nhiên, lãi suất dự thầu tăng nhẹ từ 0,02– 0,07 điểm% ở cả 3 kỳ hạn khiến cung cầu trở nên khó gặp nhau.

KBNN chỉ phát hành được 200 tỷ trái phiếu 7 năm với lãi suất tăng 0,03 điểm% và 400 tỷ trái phiếu 20 năm với lãi suất giữ nguyên. Đây là phiên thứ hai liên tiếp kỳ hạn 10 năm không thể phát hành. "Xu hướng tăng lãi suất dần hình thành khiến việc huy động vốn trái phiếu giá rẻ đang khó khăn hơn", các chuyên gia SSI nhận định.

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP) tiếp tục gọi thầu trái phiếu cho hai kỳ hạn 10 và 15 năm. Tuy nhiên, mức lãi suất dự thầu không cải thiện nên VBSP vẫn chưa thể phát hành thành công.

Lợi tức trái phiếu tiếp tục tăng, khối ngoại gia tăng sức ép

Cùng chung xu hướng với thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu thứ cấp tăng tuần thứ hai liên tiếp. Ngoại trừ kỳ hạn 1 năm giảm nhẹ 0,03 điểm%, lợi suất tất cả các kỳ hạn còn lại đều tăng từ 0,04 – 0,12 điểm% so với cuối tuần trước, trong đó kỳ hạn 15 năm có mức tăng cao nhất. Đường cong lợi suất do đó có xu hướng dốc hơn.

Thanh khoản vẫn duy trì ở mức rất cao với 68.000 tỷ giá trị trái phiếu được giao dịch, tương đương 13.600 tỷ/phiên.

Xu hướng lãi suất đảo chiều xuất hiện cùng với áp lực bán gia tăng từ khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng 822 tỷ, khiến giá trị mua ròng từ đầu năm thu hẹp chỉ còn 660 tỷ đồng.

USD phục hồi nhẹ khi lo ngại về chiến tranh thương mại dịu bớt

Thị trường thế giới tuần qua đánh dấu bằng việc hai bên Mỹ - Trung liên tục đưa ra những đòn đáp trả đánh vào hàng nhập khẩu của đối phương. Tuy nhiên, hai bên cũng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán giúp dịu bớt những lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại. Thị trường ngoại hối vì vậy cũng không chịu nhiều ảnh hưởng.

Giá trị đồng USD khá ổn định và giữ xu hướng đi ngang, kết thúc tuần tăng nhẹ 0,15%.

Tỷ giá USD trong nước tăng nhẹ. Tỷ giá ngân hàng giao dịch ở mức 22.780/22.850, tăng 30 đồng so với tuần trước. Trong khi đó, tỷ giá tự do vẫn tương đương tuần trước, ở mức 22.800/22.810.

Tin mới lên