Tài chính quốc tế

Thuế nhôm - thép của Mỹ đẩy Thủ tướng Nhật vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan'

(VNF) - Cuộc họp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm vừa qua (7/6) được dự định sẽ bàn về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới tại Singapore. Tuy nhiên, với việc Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ chính sách miễn thuế nhôm - thép cho các nước đồng minh, cùng mối đe dọa đánh thuế xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản, chủ đề của cuộc họp gần như chuyển sang mối quan hệ thương mại đang căng thẳng giữa hai nước.

Thuế nhôm - thép của Mỹ đẩy Thủ tướng Nhật vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan'

Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã từng rất ấm áp

Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo diễn ra ngay trước thềm cuộc họp tại Quebec, Canada vào thứ Sáu của nhóm G-7, bao gồm Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Ý, Pháp và Đức. Các quan chức từ Liên minh châu Âu cũng sẽ tham dự cuộc hội đàm này.

Sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ không tiếp tục miễn thuế nhôm thép đối với cả đồng minh của mình vào tuần trước, một “làn sóng” phản đối ông Trump đã bắt đầu xuất hiện từ các quốc gia này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau một cuộc họp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau: "Chúng ta không nên tạo ra một cuộc chiến thương mại giữa những người bạn". Ông Macron cho biết các nhà lãnh đạo G-7 sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump từ bỏ ý định đơn phương của mình. Trong khi đó, sáu nước thành viên còn lại sẽ vẫn tiếp tục là một khối kinh tế mạnh mẽ, cùng nhau đứng vững ngay cả khi Hoa Kỳ thiết lập nên các rào cản thương mại.

Là một phần trong chương trình nghị sự "America First" của mình, ông Trump đã hứa sẽ bảo vệ công nhân và doanh nghiệp Mỹ khỏi những gì ông cho là cạnh tranh quốc tế không công bằng. Trước hội nghị thượng đỉnh G-7, chính quyền Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gây áp lực cho thương mại quốc tế với những sự phát triển mới của chính sách thuế quan.

"Ông Trump vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với các kế hoạch của mình", Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư.

Điều đó đặt Thủ tướng Abe vào một tình thế khó khăn. Kể từ lần đầu tiên ông gặp ông Trump, chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Abe đã thiếp lập và duy trì một mối quan hệ ấm áp với Tổng thống Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau đến 10 lần, thậm chí còn đi ăn và chơi golf cùng nhau, cũng như thường xuyên trao đổi qua điện thoại.

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa cùng tham gia vào những biện pháp nhằm chống lại thuế thép và nhôm của Mỹ với Trung Quốc, Canada và Mexico. Tuy nhiên, đường lối cứng rắn của Nhà Trắng về thương mại đang và đang tạo ra một sự căng thẳng lớn cho mối quan hệ thân tình giữa ông Abe và ông Trump. Trước đó, ông Trump cũng là người tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi TPP, trong khi ông Abe là một trong những người tích cực thúc đẩy việc ký kết hiệp ước này.

Thủ tướng Abe cũng đang phải đối mặt với một vụ bê bối chính trị trong nước. Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuyên bố sẽ không nhận lương trong vòng một năm, sau khi 20 quan chức dưới quyền ông vướng vào vòng lao lý vì đã giả mạo các tài liệu liên quan đến scandal mua bán đất liên quan đến vợ ông Abe. Thủ tướng Nhật đã phủ nhận mọi cáo buộc sự liên quan của mình hoặc vợ trong vụ việc trên. Tuy nhiên, cho dù ông Abe thực sự không liên can, mức độ tín nhiệm của ông cũng đã giảm rất mạnh trong thời gian qua.

Điều đó khiến cho ông Abe rất khó để lựa chọn có nên cùng với những đối tác khác của Hoa Kỳ phản đối bằng việc áp dụng thuế ngược lại, hay tiếp tục im lặng. Nếu Tokyo chọn việc dùng thuế quan, cán cân thương mại hai nước sẽ chịu các tác động nhất định bởi Nhật cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại thực sự, người chịu thiệt hại nặng nề nhất sẽ là người nông dân và các nhà xuất khẩu Mỹ. Họ đã phải đối mặt với sự gia tăng của lãi suất, khiến giá trị của đồng USD đi lên và làm cho các sản phẩm của Mỹ trở nên đắt đỏ ở thị trường nước ngoài. Những trở lực này sẽ càng trở nên mạnh hơn nếu Nhật Bản gia nhập các đối tác thương mại lớn khác của Mỹ trong việc tăng thuế và tăng chi phí sản phẩm Mỹ đối với người tiêu dùng Nhật.

Tin mới lên