Tài chính quốc tế

Thủ tướng Malaysia một lần nữa khiến Trung Quốc thất vọng

(VNF) - "Những dự án này sẽ không tiếp tục. Hiện tại, ưu tiên của chúng tôi là giảm nợ. Các dự án sẽ bị hoãn lại cho đến khi chúng tôi có đủ khả năng", tờ South China Morning Post dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phát biểu trước khi khởi hành về Kuala Lumpur ngày hôm nay (21/8).

Thủ tướng Malaysia một lần nữa khiến Trung Quốc thất vọng

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Thủ tướng Malaysia Mahathir đã có chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc, từ ngày 17-21/8. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Mahathir kể từ năm 2001.

Cả Trung Quốc và Malaysia đều coi chuyến thăm này là cơ hội để điều chỉnh mối quan hệ song phương sau khi Liên minh Hy vọng (PH) do ông Mahathir lãnh đạo lên nắm quyền điều hành chính phủ hồi tháng 5.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Mahathir đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Những buổi làm việc này đóng vai trò quan trọng đối với việc tái đàm phán các dự án trong chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 5 ngày của ông Mahathir. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Malaysia cho rằng họ cần có thêm thời gian để có thể triển khai những dự án này.

Ông Mahathir cho hay, ông đã nêu quan điểm cũng như nguyên nhân hủy bỏ các dự án với chính phủ Trung Quốc và "họ đã đồng ý".

"Nếu phải trả tiền bồi thường, chúng tôi sẽ trả. Đây là sự ngu dốt từ những cuộc đàm phán của chính quyền trước đây. Chúng tôi phải tìm cách rút khỏi những dự án này", vị Thủ tướng 92 tuổi nói thêm.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

"Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ có cái nhìn thông cảm với những vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết và có lẽ sẽ giúp đỡ chúng tôi giải quyết một số vấn đề về tài chính nội bộ", ông Mahathir nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc.

Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Mahathir chứng kiến lễ ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ lên tới 180 tỷ nhân dân tệ (khoảng 26,3 tỷ USD) giữa ngân hàng trung ương hai nước. Thỏa thuận này kéo dài 3 năm, có thể được gia hạn và được kỳ vọng tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại - đầu tư song phương

Trước đó, trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 13/8 ngay trước chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Mohamad thể hiện sự không đồng tình với hai dự án của nhà thầu Trung Quốc gồm dự án đường ống khí đốt và dự án đường sắt dọc vùng duyên hải phía đông của Malaysia. Đây là hai dự án được thông qua từ thời chính quyền của cựu Thủ tướng Najib Razak.

Thủ tướng Malaysia Mahathir và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chứng kiến lễ ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa ngân hàng trung ương hai nước. 

"Chúng tôi không thực sự cần hai dự án này. Chúng tôi không cho rằng đây là một dự án khả thi. Vì vậy, nếu có thể, chúng tôi muốn hủy bỏ các dự án này", ông Mahathir nói.

Hồi tháng 7, theo chỉ đạo của ông Mahathir, Bộ Tài chính Malaysia đã kêu gọi ngừng hai dự có sự tham gia của các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Ông Mahathir còn tuyên bố rằng nếu không thể hủy bỏ các dự án này, thì Malaysia ít nhất sẽ tiếp tục ngừng các dự án đó đến khi nào thực sự cần thì mới triển khai.

Các dự án này gồm Dự án Kết nối Đường sắt Bờ biển phía Đông (East Coast Rail Link - ECRL) trị giá 20 tỷ USD và dự án đường ống trị giá 2,3 tỷ USD.

Dự án ECRL được xem là một trong những dự án chính trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Kể từ khi Thủ tướng Mahathir lên lãnh đạo chính phủ ở Malaysia, quan hệ song phương giữa Mlaysia và Trung Quốc có phần nguội lạnh so với thời người tiền nhiệm Najib Razak.

Trong 9 năm cầm quyền của ông Najib, đầu tư từ Trung Quốc vào Malaysia tăng vọt với nhiều thỏa thuận phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo AFP, một số dự án bị cho là thiếu minh bạch và có những điều khoản bất lợi với Malaysia.

Trước khi tái cử thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua, ông Mahathir đã tuyên bố sẽ xem xét lại một loạt dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc nếu trúng cử.

Ông Mahathir luôn giữ quan điểm rằng ông chào đón đầu tư từ Trung Quốc nếu các công ty của nước này thiết lập hoạt động ở Malaysia, thuê mướn nhân công địa phương, mang đến vốn và công nghệ. Tuy nhiên, thực tế theo ông không phải như vậy. “Ở đây chúng tôi chẳng được gì từ dòng đầu tư đó. Chúng tôi không chào đón điều đó”, ông Mahathir nói.

Xem thêm >> ‘Kiếm cớ’ vụ đầu độc cựu điệp viên, Anh kêu gọi EU tăng cường trừng phạt Nga

Tin mới lên