Diễn đàn VNF

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: ‘Doanh nghiệp hiện nay một cổ 5, 6 tròng’

(VNF) - Đó là nhận xét của ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - khi nói về thực trạng quản lý của các bộ ngành đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: ‘Doanh nghiệp hiện nay một cổ 5, 6 tròng’

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông

Quản lý chia năm xẻ bảy

Tại hội thảo "Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam", các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra những bất hợp lý trong cung cách quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của các bộ ngành ở Việt Nam.

Ông William P. Mako, chuyên gia cố vấn WB nêu nhận xét: "Hiện quản lý DNNN liên quan đến rất nhiều cơ quan: Bộ Kế hoạch & Đầu tư quản lý về khía cạnh đầu tư, Bộ Tư pháp, Chính phủ bổ nhiệm lãnh đạo, Bộ Tài chính quản lý thuế, Bộ Công thương quản lý các DNNN thuộc lĩnh vực và điều tiết thị trường…"

"Với cách quản lý manh mún như vậy, các DNNN bị chia năm xẻ bảy, còn nhà nước cũng loay hoay không biết quản lý như thế nào cho phù hợp", ông W.P.Mako nói.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng thừa nhận rằng, hiện có quá nhiều bộ ngành đang cùng tham gia quản lý DNNN. Sự quản lý manh mún đó đã và đang gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

"Với cách quản lý như hiện tại, doanh nghiệp phải báo cáo về nhân sự với Bộ Nội vụ, về tiền lương với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, về chuyên môn với Bộ chủ quản, về tài chính với Bộ Tài chính, về chiến lược kế hoạch phát triển với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Họ một cổ năm, sáu tròng", ông Đông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đông, kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều có nguyện vọng muốn báo cáo tập trung vào một nơi, chứ không muốn làm tới 6, 7 báo cáo như hiện tại.

Thực trạng này sẽ được giải quyết triệt để khi cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, ông Đông cho biết thêm. Khi đó, toàn bộ báo cáo của các doanh nghiệp sẽ đều được gửi về cơ quan chuyên trách và được xử lý tại đây.

Cơ quan chuyên trách không phải Temasek, Sacsac hay SCIC

Cũng tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã có những chia sẻ thẳng thắn về mô hình cơ quan chuyên trách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang theo đuổi xây dựng.

Về tên gọi của cơ quan, ông Đông cho rằng một số ý kiến gọi đây là "siêu bộ", "siêu ủy ban" là không đúng. Chức năng của cơ quan này là thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DNNN. So với các bộ ngành hiện tại, phạm vi quản lý của cơ quan này hẹp hơn nhiều, do đó không thể gọi là "siêu bộ" được. Tổng số vốn mà cơ quan này dự định đảm trách khoảng vài triệu tỷ, chỉ bằng một phần tài sản của các tập đoàn đa quốc gia, vì thế, cũng không thể gọi là "siêu ủy ban".

Trước câu hỏi cơ quan chuyên trách này sẽ hoạt động như thế nào, ông Đông cho biết sẽ không có chuyện cơ quan này thò tay xuống điều hành doanh nghiệp một cách trực tiếp.

"Tất cả các doanh nghiệp sẽ vẫn hoạt động như một doanh nghiệp thuần túy. Họ chỉ có nhiệm vụ là báo cáo về cơ quan chuyên trách.

Còn cơ quan chuyên trách sẽ quản lý doanh nghiệp thông qua các bản hợp đồng, mà ở đấy, các thỏa thuận về kế hoạch, chiến lược phát triển của công ty được tuân theo định hướng của Chính phủ.

Những chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp của OCD sẽ được chúng tôi xem xét áp dụng đưa vào các hợp đồng kí kết giữa cơ quan chuyên trách với từng doanh nghiệp và chúng tôi sẽ chấm điểm bằng những tiêu chuẩn đó", ông Đông nói.

Về lời khuyên của chuyên gia WB "Temasek là mô hình tốt cho Việt Nam học hỏi", ông Đông khẳng định Temasek là một mô hình khác với Việt Nam.

"Temasek thừa vốn, do đó họ là cơ quan đi kinh doanh vốn, ngược lại Việt Nam đang thiếu vốn. Nếu bảo Việt Nam làm như Temasek thì không đúng. Còn làm như SCIC thì rõ ràng không ổn. SCIC nhảy vào đầu tư cả ở lĩnh vực cạnh tranh với tư nhân, trong khi chủ trương của Việt Nam là DNNN chỉ đầu tư ở những lĩnh vực mà tư nhân không tham gia".

Nhấn mạnh việc học tập các mô hình trên thế giới song ông Đông cho rằng cần thiết lựa chọn những cái gì phù hợp nhất đối với Việt Nam trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, không lấn át thị trường, không tranh giành với tư nhân…

Đối với mối lo ngại về những can thiệp chính trị trong quá trình hoạt động của cơ quan chuyên trách, ông Đông cho rằng, trên thực tế sẽ vẫn có những biểu hiện nhất định vì ranh giới giữa can thiệp chính trị và hoạt động kinh tế là khá mong manh.

"Tuy nhiên, quyền can thiệp ấy sẽ bị hạn chế bởi các quy chế của cơ quan chuyên trách. Tôi cho rằng cơ hội cho ai đó muốn can thiệp chính trị để trục lợi sẽ rất ít và họ phải chịu trách nhiệm giải trình rất nhiều".

Tin mới lên