Tài chính

Thu thuế Google, Facebook cần được gắn kết với ngân hàng

(VNF) - "Thu thuế Google, Facebook rất cần sự gắn kết với ngân hàng để quản trị được việc thanh toán. Đặc biệt, Tổng Cục thuế cần sớm đặt vấn đề về việc hạn chế giao dịch tiền mặt, phối hợp với nhiều cơ quan khác để kiểm soát giao dịch".

Thu thuế Google, Facebook cần được gắn kết với ngân hàng

Thu thuế Google, Facebook cần được gắn kết với ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Nội dung trên được ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM, chia sẻ bên lề hội nghị tổng kết ngành thuế TP. HCM năm 2017 diễn ra mới đây.

Ông Tâm cho rằng, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, bởi việc thu thuế các mô hình Google, Facebook hay Uber, Grab không chỉ Việt Nam gặp khó mà rất nhiều quốc gia cũng lúng túng.

"Chúng ta chưa thể định hình được rõ ràng về hoạt động của các doanh nghiệp này. Họ lại đang hoạt động ở nước ngoài, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đông nên cần phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể, chứ không riêng lẻ từng tỉnh thành hay mỗi TP. HCM mà làm được", ông Tâm cho biết.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyện thu thuế với Google, Facebook, Grab, Uber... được đặt ra. Trước đó vào đầu tháng 12/2017, Cục Thuế TP. HCM đã lần đầu tiên hé lộ doanh thu quảng cáo của Google và Facebook.

Theo đó, nếu tính 4 ngân hàng mà Cục Thuế thành phố yêu cầu cung cấp thông tin số tiền các tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển cho Google, Facebook, thì số tiền này lên đến trên 1.000 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TP. HCM, các tổ chức, cá nhân thanh toán tiền cho các trang mạng xã hội Google và Facebook thông qua các thẻ tín dụng quốc tế như Visa, MasterCard... và thường không khấu trừ thuế nhà thầu nên thất thoát thuế rất lớn.

"Vì vậy, rất cần sự gắn kết với ngân hàng để quản trị được việc thanh toán. Đặc biệt, Tổng Cục thuế cần sớm đặt vấn đề về việc hạn chế giao dịch tiền mặt, phối hợp với nhiều cơ quan khác để kiểm soát giao dịch", ông Tâm nói.

Cũng theo vị lãnh đạo Cục thuế TP. HCM, quan điểm của Cục Thuế là không làm khó doanh nghiệp hoạt động nhưng ai kinh doanh trên địa bàn có phát sinh thu nhập thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng pháp luật... 

"Chúng tôi cảm nhận được thương mại điện tử đã len lỏi trong đời sống nên bắt buộc phải theo dõi, tránh những biến thể tiêu cực", ông nhấn mạnh.

Ông Tâm cho biết thêm hiện Tổng cục Thuế đã chỉ đạo thành lập các bộ phận để quản lý vấn đề thuế với các doanh nghiệp này một cách tổng thể, đầu năm sẽ được triển khai.

Ngoài các nội dung nêu trên, Cục Thuế TP. HCM cho biết cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định các nhà băng khi thanh toán, chuyển tiền cho các tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu. 

Song song đó, cơ quan chức năng cần bổ sung hành lang pháp lý, yêu cầu doanh nghiệp ngoại có thu nhập từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải kê khai nộp thuế. Doanh nghiệp không đáp ứng nghĩa vụ thuế sẽ không được hoạt động tại Việt Nam.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết trong năm 2018 ngành thuế sẽ đẩy mạnh việc chống thất thu thuế, đặc biệt với lĩnh vực thương mại điện tử. Ngành thuế cũng phải có giải pháp đảm bảo cơ sở pháp lý để có thể thu được thuế.

"Tới đây, việc đẩy mạnh chống thất thu thuế sẽ được tiếp tục, kể cả với Uber, Grab. Đó là những cơ sở thuế phải thu cho bằng được bên cạnh mảng liên quan đến kinh tế phi chính thức, chống chuyển giá...", ông Nam nói.

Để làm được, theo ông Nam, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và phối hợp với mục tiêu là đảm bảo công bằng, thu được thuế và chống thất thu theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung vào những địa phương lớn như Hà Nội, TP. HCM.

"Chúng tôi đã tiếp thu chỉ đạo của Chính phủ và tới đây sẽ đẩy mạnh thực hiện, dù có những khó khăn và thách thức", ông Nam khẳng định.

Tin mới lên