Diễn đàn VNF

Thu hồi tòa nhà xưa trong Cung Thiếu nhi Hà Nội: Chưa làm thêm được gì thì chớ lấy bớt

UBND thành phố Hà Nội đang có chủ trương thu hồi lại Khu nhà truyền thống của Cung Thiếu nhi Hà Nội, giao cho UBND thành phố quản lý, sử dụng. Chủ trương này đã làm dấy lên sự lo ngại của nhiều chuyên gia và người dân Hà Nội. Mới đây, hơn hai trăm giáo viên, học sinh, phụ huynh ký đơn kiến nghị UBND Hà Nội không thu hồi toà nhà kiến trúc Pháp đẹp như “lâu đài tuổi thơ” đó. Để có góc nhìn đa chiều soi chiếu lại chủ trương của Hà Nội, Người Đô Thị ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý – những người am hiểu khá tận tường lịch sử của khu vực này và từng tham gia xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội (sau đây gọi tắt là Cung Thiếu nhi).

Thu hồi tòa nhà xưa trong Cung Thiếu nhi Hà Nội: Chưa làm thêm được gì thì chớ lấy bớt

TS. Phạm Sĩ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

Cần giữ lại lịch sử của Cung Thiếu nhi

Cung Thiếu nhi như ta thấy bây giờ không phải có từ lúc xây mà đã tồn tại trước đó. Thời Pháp, đây là khu vực quy hoạch của Pháp dành cho thiếu nhi, và nay vẫn là khu vực dành cho thiếu nhi. Nói thế để thấy từ xưa tới nay Cung Thiếu nhi liên tục là nơi dành cho thiếu nhi.

Tòa nhà kiến trúc Pháp hiện nay mà UBND thành phố Hà Nội đang có chủ trương thu hồi, thực chất là cái còn lại của “Ấu Trĩ Viên” (vườn trẻ) từ thời Pháp. Lúc còn đang là phó chủ tịch UBND Hà Nội, tôi nhớ thành phố đã nhường hết khu đất phía sau của ủy ban cho Cung Thiếu nhi. Ngày ấy, vô cùng khó khăn, lúc tiếp quản Hà Nội ta chưa có tài lực, sau lại vướng phải thời kỳ khó khăn 10 năm bao cấp, thế nhưng theo lời dạy của Bác Hồ, Hà Nội lúc bấy giờ vẫn ưu tiên chăm lo cho thiếu nhi. Tôi còn nhớ, rằm năm 1946 Bác Hồ đã tổ chức Tết Thiếu nhi xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Bác đã cho trẻ con chơi, bày cỗ, đánh trận giả…

Còn hiện nay, Hà Nội đã chăm lo được gì, dành bao nhiêu đầu tư cho giáo dục thiếu nhi? Thậm chí, người ta còn từng có ý định chuyển Cung Thiếu nhi về khu Mỹ Đình. Dân số khu vực này đã tăng lên rất nhiều so với thời xây dựng Cung Thiếu nhi, đáng lẽ phải xây dựng, kiến thiết thêm để tương ứng với dân số thì nay người ta có ý định bớt, theo tôi là không đúng. Chủ trương đó cho thấy UBND Hà Nội coi nhẹ vai trò của thiếu nhi, coi nhẹ tầm quan trọng của giáo dục thiếu nhi. Một thành phố lớn như vậy chưa làm thêm được gì cho thiếu nhi thì cũng không nên lấy bớt đi.

Bản thân Cung Thiếu nhi như ta thấy hiện nay, khi thiết kế người ta đã tính đến sự hài hòa của nó về mặt kiến trúc và kết hợp sử dụng công năng của các tòa nhà. Tức là Cung Thiếu nhi với các tòa nhà còn lại, về mặt kiến trúc cũng như công năng lúc thiết kế đã được nhất thể hóa. Cung Thiếu nhi đã được vận hành từ bao nhiêu năm nay, không nên thay đổi gì ở đây hết. Càng không nên vì một nhu cầu nào đó khác mà cắt bớt đi khiến công năng của Cung Thiếu nhi trở nên què quặt.

Hà Nội không nhất thiết phải lấy đi tòa nhà kiến trúc Pháp ấy. Thu hồi tòa nhà này có lẽ chỉ là một phương án của UBND Hà Nội, bởi thành phố vẫn còn phương án khác như dùng sang tòa nhà của Sở Điện Lực, hoặc nâng cao dãy nhà hai bên cánh của UBND mà hiện nay vẫn thấp.

Tòa nhà kiến trúc Pháp trong Cung Thiếu nhi, không chỉ là một công trình có tính lịch sử - chính trị (nơi Bác Hồ đã cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946), mà còn là nơi lưu giữ những hình ảnh từ ban đầu cho tới ngày nay của quá trình hoạt động của thiếu nhi. Có thể nói đó là một công trình sống cùng thiếu nhi.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, tương lai chúng ta có thể làm nhiều thứ nhưng giữ được bản sắc rất khó, khôi phục lại quá khứ rất khó. Vì vậy, chúng ta cần giữ lại lịch sử của Cung Thiếu Nhi. Tạo ra lịch sử nó khó lắm!


Năm 2014-2015, Tổ chức Kiến trúc quốc tế lập hồ sơ để xếp hạng Cung thiếu nhi là "Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”. Tuy nhiên, năm 2015, công trình tiến hành cải tạo sửa chữa lớn, nhiều chi tiết kiến trúc có giá trị đã bị thay đổi thô bạo dẫn đến biến dạng, nên đã không được đưa vào danh sách “Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”. Ảnh: TL

KTS. Lê Văn Lân (Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội):

Chủ trương thu hồi chưa phù hợp pháp lý và đạo lý

Đồ án tổng thể Cung thiếu nhi được thiết kế từ rất sớm (bắt đầu khoảng từ năm 1973) và năm 1975 bắt đầu thi công. Lúc bấy giờ tôi đang là xưởng trưởng Xưởng Thiết kế số 1 Viện Thiết kế công trình Hà Nội.

Lúc ấy, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng. Tôi còn nhớ, một công trình bụi bặm, luộm thuộm vậy mà một ông chủ tịch thành phố đều đặn ngày hai buổi sáng - chiều, ít nhất 10-15 phút, đến đi vòng quanh, trèo lên trèo xuống giữa lúc đang thi công. Chưa kể, huy động nguyên vật liệu cho xây dựng lúc ấy cũng rất khó khăn. Nhắc lại để thấy lúc ấy ở Hà Nội, cái gì tốt thì người ta nhường cho các cháu cả.

Về bản thiết kế, nó không phải là một ngôi nhà được thiết kế lên từ một khu đất trống, mà có bố cục như thế, hình hài như thế, xuất phát từ việc đã có nhà cũ hai tầng của người Pháp. Chính nhà cũ hai tầng của người Pháp là tiền đề, là khởi nguồn, buộc những công trình sau phải đi theo.

Chính nó là đầu bài cho cách giải quyết kiến trúc những tòa nhà sau này có hình hài, quay mặt, gắn liền như thế nào để chúng kết hợp, tạo ra một chỉnh thể thống nhất trong Cung Thiếu nhi

Bất cứ một kiến trúc sư nào nếu cho một miếng đất như ở đó và bảo vẽ một cái nhà thì chắc chắn không ai vẽ như thế cả. Nó có hình hài như hiện nay là vì có ngôi nhà hai tầng cũ của người Pháp và có ý nghĩa lịch sử.

Sinh thời Bác Hồ đến Cung thiếu nhi một số lần với tư cách là Chủ tịch đến thăm thiếu nhi. Cung thiếu nhi chính là nơi duy nhất trên đất nước này lưu niệm Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Một công trình không thôi, bản thân nó đã đáng quý rồi, huống hồ nó mang dấu ấn lịch sử thì cần phải tôn trọng nó hơn.

Hiện nay, nhà hai tầng đó vẫn làm nhiệm vụ là nhà truyền thống. Dù người ta không dùng từ bảo tàng, nhưng ý nghĩa của nó đích thị là bảo tàng Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Cách chúng ta ứng xử với công trình này cũng là thể hiện cách ứng xử của chúng ta với lịch sử của Cung Thiếu nhi, và ứng xử với thiếu nhi – thế hệ tương lai.

Chủ trương thu hồi lại Khu nhà truyền thống của Cung thiếu nhi Hà Nội vì vậy là không nên, bởi những căn cứ sau:

Theo Luật Thủ đô, Hà Nội phải giữ lại những công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng trước 1945. Hơn thế, đây là những công trình di tích (nơi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946). Đồng thời, Quy hoạch chung thành phố Hà Nội tới 2030, tầm nhìn 2050 cũng nói rõ Cung Thiếu nhi cần được giữ gìn bảo tồn.

Khu nhà A là Khu nhà truyền thống hiện diện đã hơn ½ thế kỷ, là nơi duy nhất ở Việt Nam ghi dấu Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam. Sự thực đây là một bảo tàng.

Kiến trúc Cung là một tổng thể mà khu nhà A là bộ phận đầu não, giữ vai trò: Bảo tàng, chỉ đạo, hoạt động (phương pháp). Nơi tiếp khách và giao lưu trong nước và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà thiếu nhi trong toàn quốc… Sự tồn tại của Khu nhà A là lý do của bố cục và tổ chức các ngôi nhà còn lại (Nhà sinh hoạt 5 tầng và Rạp Khăn Quàng Đỏ).

Cung Thiếu nhi là một biểu tượng về sự quan tâm của Hà Nội đối với thiếu nhi trong một quá trình dài, kể cả những lúc khó khăn nhất. Khuôn viên Cung hiện nay quá chật hẹp, chỗ vui chơi cho các cháu quá ít. Số lượng trẻ lại ngày càng đông, chưa kể phụ huynh cũng lui tới rất nhiều. Không thu hồi Khu nhà truyền thống của Cung Thiếu nhi mới là phù hợp theo đạo lý của người Việt: tất cả vì các cháu, chỉ thêm chứ không bớt những gì các cháu có.

Về giá trị đô thị, đây là một tổng thể của những kiến trúc Pháp có giá trị: Bắc bộ phủ - Nhà công đoàn – Nhà ngân hàng – Nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi… tạo nên quảng trường trước ngân hàng nhà nước và vườn hoa Lý Thái Tổ. Một tổng thể đẹp bậc nhất của kiến trúc Hà Nội, phải bằng mọi cách giữ gìn.

Ý định có một cơ sở mới thay cho Cung Thiếu nhi lúc này là chưa phù hợp, nhất là với phương thức giáo dục trong xu thế hiện nay, yêu cầu về sự tồn tại của Cung Thiếu nhi nơi đây vẫn còn lâu dài.


Cung thiếu nhi khi mới hoàn thành (1978-1980). Ảnh: TL

PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (Đại học Kiến trúc Hà Nội):

Thay vì cắt bớt, Hà Nội cần tăng lên

Khu vực Cung Thiếu nhi lúc Pháp xây dựng đã dành cho thiếu nhi. Khi Hà Nội xây Cung thiếu nhi, thì vẫn tiếp tục vào một phần của không gian đó cho tới bây giờ. Trong chức năng sử dụng của một công trình thì giá trị lịch sử và giá trị tiếp nối là hai giá trị rất quan trọng. Như chúng ta nhìn thấy thì cho đến thời điểm này giá trị lịch sử vẫn được tôn trọng.

Một điều nữa, Cung Thiếu nhi có sự kế tục giữa các phong cách kiến trúc khác nhau. Một phong cách từ thời Pháp rất đẹp và phong cách hiện đại (có thể coi là một công trình tiêu biểu của thời kỳ kiến trúc Xã Hội Chủ Nghĩa). Sự kết nối của các công trình ấy trong một khuôn viên tổng thể, mang nhiều ý nghĩa lịch sử.

Ngoài ra, có rất nhiều hoạt động liên quan đến thiếu nhi của thời cách mạng đã diễn ra ở đó. Đây là nơi lưu giữ những hoạt động, những ký ức của thiếu nhi.

Khi hướng tới thiếu nhi, thì việc sử dụng công trình này đã như một sự giáo dục thiếu nhi hướng tới tính truyền thống, tôn trọng truyền thống – cái mà lâu nay trong giáo dục ta vẫn hay bỏ quên. Vì vậy, nó là một công trình đặc biệt có ý nghĩa với giáo dục, với tương lai của đất nước.

Việc tồn tại tiếp tục của công trình này (Khu nhà truyền thống – PV) với Cung Thiếu nhi sẽ thể hiện sự tôn trọng lịch sử, mặt khác hướng tới thiếu nhi là thế hệ tương lai, nên càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Những giá trị chỉ được tiếp nối chứ không bị phá bỏ, cắt đi.

Một trong những khía cạnh của đô thị là người ta nhìn thấy sự tiếp nối, sự tiếp tục. Tức là ta thấy nó vẫn đang sống vừa lưu giữ truyền thống. Vì vậy, thu hồi công trình này là phi lý, khi nhìn từ góc cạnh của sự liên tục của một công trình đã có bề dầy hoạt động.

Còn nhớ ngày xưa khi còn nhỏ, tôi ở quận Ba Đình, để được sinh hoạt hè ở Cung Thiếu nhi là khó lắm. Chưa bao giờ được cho nên nó như một thứ ao ước, mong chờ. Trong ký ức không chỉ riêng tôi, mà cả những thế hệ trước và sau tôi, Cung Thiếu nhi như một cái gì đó quý giá mà chúng tôi háo hức muốn có được. Trong ký ức của nhiều người cao tuổi thì nơi ấy chỉ dành riêng cho trẻ em trong suốt chiều dài lịch sử.

Sẽ thú vị hơn, ý nghĩa hơn khi được xem lại những hoạt động của thiếu nhi ngày xưa trong chính không gian từng diễn ra hoạt động như thế, chứ không phải ở một môi trường mới tinh. Đây chính là vai trò của tính địa điểm gắn kết với ký ức đô thị. Nó là một phần hữu cơ của địa điểm đó, tức là không chỉ có phần xác mà còn có cả phần hồn. Phần hồn này chính là những hoạt động đã, đang và hy vọng sẽ được tiếp tục để tiếp nối mạch lịch sử. Như vậy, thêm một lần nữa khẳng định tòa nhà kiến trúc Pháp nên được tiếp tục tồn tại trong Cung Thiếu nhi.

Hiện nay, chúng ta chỉ thấy có Cung Thiếu nhi là nơi duy nhất dành riêng cho thiếu nhi, còn những nhà văn hóa cấp Quận đa phần không gian nhỏ, lại với nhiều mục đích dành cho nhiều thành phần khác. Cho nên thay vì cắt bớt, Hà Nội cần tăng lên cả ở những nơi khác nhau. Nếu không, sẽ là lỗi rất lớn của thế hệ đi trước với thế hệ tương lai.

Lỗi ấy càng tăng lên nếu thu hẹp Cung thiếu nhi, cắt bớt gốc rễ truyền thống của nó.

Vị trí Cung Thiếu nhi Hà Nội ở 36 - 38 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm. Ảnh: Googlemap

Theo báo Tiền Phong, Cung Thiếu nhi thuộc khu vực đắc địa nhất Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm hơn 100m, cạnh ngã ba phố Lê Lai và Lý Thái Tổ. Cung bao gồm 3 cụm công trình: Toà nhà 5 tầng, Rạp Khăn Quàng Ðỏ và một toà nhà biệt thự có từ thời Pháp - chính là toà nhà đang được UBND Hà Nội yêu cầu bàn giao. Toà nhà này có kiến trúc Pháp, cao hai tầng, bao quanh là sân vườn, có tổng diện tích hơn 1.200 m2. Với vẻ đẹp cổ kính, nhiều thế hệ giáo viên, học sinh trìu mến gọi toà nhà này là “lâu đài tuổi thơ”.

Thời Pháp, khu vực này mang tên “Ấu Trĩ Viên” (vườn trẻ). Toà nhà kiến trúc Pháp nêu trên là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946. Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cố (do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

Về công năng, dù gọi chung là Khu nhà truyền thống nhưng toà nhà này đang được sử dụng nhiều mục tiêu. Theo báo cáo của Ban lãnh đạo Cung Thiếu nhi, toà nhà gồm 26 phòng, trong đó có đến 15 phòng sử dụng để dạy học, còn lại là phòng truyền thống, 6 phòng làm việc…

Mới đây, hơn hai trăm giáo viên, học sinh, phụ huynh ký đơn kiến nghị UBND thành phố Hà Nội không thu hồi toà nhà kiến trúc Pháp trong Cung Thiếu nhi. Cuối tháng 6 vừa qua, các ban ngành thành phố Hà Nội họp về nội dung này, do ông Mai Xuân Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội chủ trì, vẫn kết luận: Yêu cầu Cung Thiếu nhi quán triệt trong cán bộ công nhân viên về chủ trương điều chuyển khu nhà nêu trên.

Theo một lãnh đạo Cung Thiếu nhi, trong cuộc họp gần đây, đại diện Sở Tài chính cho biết sẽ chuyển toà nhà biệt thự Pháp của Cung Thiếu nhi cho Sở Ngoại vụ; tuy nhiên, chưa được chính thức thông báo bằng văn bản. Trước đó, vào năm 2014, UBND thành phố Hà Nội dự định di chuyển toàn bộ Cung Thiếu nhi xuống khu vực Mỹ Ðình nhưng bị dư luận phản đối.

Tin mới lên