Tài chính

Thu chi ngân sách: Không để nhóm lợi ích xem vào

(VNF) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh:"Phải tăng cường kỷ luật, đạo đức công vụ để các bộ phận phối hợp tốt trong điều hành ngân sách. Chính sách thu, chi không được để lợi ích nhóm can thiệp".

Thu chi ngân sách: Không để nhóm lợi ích xem vào

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Tài chính diễn ra vào ngày 2/7,Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 22 ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành thu chi ngân sách.

Phó Thủ tướng lưu ý, dư địa giảm chi ngân sách đang còn nhiều, do đó các đơn vị cần tiếp tục cắt giảm khoản chi không cần thiết như: giảm khánh tiết, hội nghị, đi nước ngoài, đi lễ hội,... Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý không để lợi ích nhóm can thiệp vào thu chi ngân sách. Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cần giám sát chặt từ khâu xây dựng thể chế tới lúc thực thi. 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính cũng cần rà soát chính sách thu. Bởi trong điều kiện hội nhập ngày càng tăng, việc cắt giảm thuế quan cũng tăng thì chính sách thu ngân sách cần nghiên cứu cụ thể xem đi theo hướng nào hiệu quả để bù hụt thu do giảm thuế.

Một trong những điểm nữa liên quan đến công tác thu ngân sách mà Phó Thủ tướng lưu ý, đó là về lập dự toán thu. Phó Thủ tướng cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng ngân sách trung ương hụt thu mà ngân sách địa phương có doanh thu khá. Cho nên, cần xem xét cách thức lập dự toán cho hợp lý, việc điều chỉnh cơ cấu thu giữa địa phương và trung ương không thể làm tùy tiện, nhưng cũng không nên cứng nhắc về số thu khi giao dự toán thu ngân sách cho địa phương. 

Theo Phó Thủ tướng, tùy đặc thù địa phương, căn cứ thực tế hằng năm, chỉ tiêu về thu ngân sách mỗi địa phương có thể điều chỉnh khác nhau, không nhất thiết mọi tỉnh đều năm sau thu phải tăng so với năm trước. Tuy nhiên, tính chung tổng thể thu ngân sách của cả nước thì phải tăng. Việc này không dễ, nhưng phải làm bắt đầu từ năm 2017.

"Tỉnh nào khả năng thu không đạt năm nay hoặc không đạt chỉ tiêu hội đồng nhân dân giao thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng. Ngân sách trung ương không hỗ trợ địa phương như trước được. Nhất quyết không để tình trạng cứ chi tiêu rồi gây ra bội chi ngân sách địa phương rồi chạy lên trung ương nhờ hỗ trợ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bội chi ngân sách nhà nước hơn 85.000 tỷ đồng 6 tháng đầu năm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong đó: thu nội địa đạt 48,8% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015; thu dầu thô đạt 37,2% dự toán năm, giảm 44,8% so cùng kỳ năm 2015; thu XNK đạt 41,9% dự toán, giảm 2,2% so cùng kỳ năm 2015.

Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán; trong đó có 45 địa phương thu đạt từ 50% dự toán năm trở lên; 57 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015; tuy nhiên, cũng có một số địa phương tiến độ thu đạt thấp so với dự toán được giao. Trong khi đó, thu ngân sách trung ương thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán năm và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%), chủ yếu do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Chi ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao. Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, xử lý sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung.

Tin mới lên