Ngân hàng

Thống đốc: 'Khẩn trương đưa nợ xấu về mục tiêu dưới 3%'

(VNF) - “Đưa tổng nợ xấu về mục tiêu dưới 3% vào 2020, sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ, đã có phương án xử lý với các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt”, là những thông điệp mới nhất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tại hội nghị về nợ xấu sáng 28/8/2018.

Thống đốc: 'Khẩn trương đưa nợ xấu về mục tiêu dưới 3%'

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Ảnh: Kiều Khanh

Sáng 28/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại các TCTD gắn với nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

“Bảo kiếm” phát huy công lực

Theo báo cáo của cơ quan này, từ khi áp dụng Nghị quyết 42 đến thời điểm cuối tháng 6/2018, đã tạo điều kiện quan trọng đưa nợ xấu nội bảng toàn hệ thống về mức mức 2,09%/tổng dư nợ, giảm rõ rệt so với mức 2,46% tại thời điểm 31/12/2016.

Tiếp đó, kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng khả quan. Cụ thể, đến 30/6/2018, toàn hệ thống xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng, không tính 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Ông Nguyễn Tiến Đông, chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC nói: “Điều quan trọng của Nghị quyết 42 là phát đi thông điệp bảo vệ đến cùng quan hệ có vay, có trả, tạo tiền đề cho VAMC và tổ chức tín dụng thu hồi nợ”.

Theo ông, thông qua việc thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm cũng như thái độ hợp tác của khách vay, đã khẳng định được quyền của chủ nợ, điều mà các tổ chức tín dụng mong mỏi đã lâu.

Nhờ đó, tính đến 15/8/2018, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng/277 nghìn tỷ đồng trong số nợ gốc mà VAMC đã mua.

Đặc biệt, từ 15/8/2017 – 15/8/2018, tốc độ, hiệu quả xử lý nợ xấu tăng lên. Trong số gần 100 nghìn tỷ đồng nợ thu hồi nói trên thì có 48 nghìn tỷ thu năm 2017, phần còn lại thu từ đầu năm 2018 đến nay.  

“Thông qua các đợt thu giữ lớn như Sài Gòn One Tower hay dự bán bất động sản dở dang, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp nhịp nhàng với VAMC và tổ chức tín dụng, điều hiếm thấy trước đó. Có những khoản nợ từng tồn tại 5 – 7 năm nhưng không thu được đồng nào, nay thì khác hẳn”, ông Đông nói.

Đáng chú ý, số nợ VAMC mua theo cơ chế thị trường ước 3.500 tỷ đồng, hiện đã thu được 3.402 tỷ, tương đương trên 90%.

Tuy nhiên, VAMC đang vướng mắc một số vấn đề. Cụ thể, tại Nghị quyết 42 có ghi “Khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản”, nhưng trong các hợp đồng giao dịch bảo đảm lại chỉ ghi “khách hàng bàn giao tài sản, nếu không trả được nợ cho ngân hàng”. Trong quá trình triển khai, khách hàng cứ giở hợp đồng giao dịch bảo đảm ra “cò quay”, khiến việc thu giữ tài sản gặp không ít trở ngại.

Cùng đó, Nghị quyết 42 cho phép xử rút gọn và Toà án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn nhưng thực tế, có 2.000 vụ việc liên quan đến việc đòi nợ của VAMC nhưng chưa có vụ nào được xử rút gọn. “Đây là một bất cập lớn gây trở ngại cho chúng tôi”, ông Đông nhấn mạnh.

Chưa kể, một loạt dự án bất động sản dở dang được VAMC bán lại cho các chủ đầu tư mới nhưng họ không thể tiếp tục triển khai vì ở mỗi địa phương lại có cách hiểu, cách làm khác nhau. Có nơi thì cho chuyển giao, có nơi thì bảo là “chưa có hướng dẫn” nên bị ách tắc.

Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ:

Để giải quyết căn bản tình trạng nợ xấu, cần tiếp tục xử lý vấn đề sở hữu chéo, nghiêm cấm các hành vi ngân hàng cho vay các công ty tập đoàn có chung một chủ sở hữu chi phối, nhất là đối với các dự án đầu tư ở nước ngoài.

Đối với ngành ngân hàng cần nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra giám sát. Cùng với hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng phải phối hợp với Thanh tra Chính phủ để phối kết hợp nhuần nhuyễn, tránh chồng chéo.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải hiểu là, việc Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng là do phải kiểm soát các mục tiêu vĩ mô khác như lạm phát. Việc tăng tín dụng bao nhiêu là quan trọng nhưng quan trọng hơn là tăng tín dụng vào đâu.

“Ông lớn” than phiền vốn mỏng

Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề: việc xử lý nợ xấu cả nội bảng lẫn ngoại bảng phải sớm đưa về mục tiêu xuống dưới 3%/tổng dư nợ; đồng thời, không để nợ xấu phát sinh.

Theo Phó Thủ tướng, cùng với trên, Chính phủ đã gấp rút hoàn thiện phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối vốn. “Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ Tài chính có phương án tăng vốn để tăng lực cho 4 ngân hàng này”, Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu trước đó, các ý kiến của Vietcombank  và Agribank đều đề cập đến vấn đề này.

Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhấn mạnh: “Chính phủ cần tăng vốn điều lệ cho Vietcombank và các ngân hàng thương mại Nhà nước từ nguồn cổ tức. Đây là vấn đề cấp bách vì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đã chạm ngưỡng, không đáp ứng được chuẩn mực của basel II, không tạo đủ không gian tín dụng để ngân hàng cấp vốn cho nền kinh tế”.

Với Agribank, tình trạng cũng khá bức bách. Ông Trịnh Ngọc Khánh, chủ tịch Hội đồng thành viên phân trần: “Chúng tôi gánh vác nhiệm vụ cung ứng vốn cho tam nông tới trên 70% tổng dư nợ, lãi suất đầu vào huy động trên 6%, cho vay 6,5% trong khi vốn thì thiếu”.

Ông Khánh cũng mong muốn được nhận một số nguồn vốn từ phía Chính phủ như vốn uỷ thác, vốn khác nhàn rỗi, dù có phải đấu thầu, Agribank cũng sẵn sàng.

Đáng chú ý, không chỉ 4 ngân hàng thương mại nêu trên mà cả VAMC cũng muốn tăng vốn. Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước muốn VAMC xử lý nợ theo thị trường, theo kế hoạch thì các tổ chức tín dụng đang có nhu cầu bán thêm 20 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong khi mức vốn hiện tại là 2 nghìn tỷ đồng không thể xử lý được vì các yêu cầu kỹ thuật.

“Chính phủ có kế hoạch năm 2018 cấp 5 nghìn tỷ vốn điều lệ, con số này đến 2020 là 10 nghìn tỷ đồng nhưng đã quá nửa 2018 mà VAMC vẫn chưa được nhận đồng nào”, ông Đông phân trần.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Trong bối cảnh Đảng và Chính phủ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, việc ban hành Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 được cho là một trong những quyết sách để thực hiện chiến lược nêu trên.

Qua đó, tạo cơ chế, môi trường thuận lợi để toàn ngành xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực của hệ thống, đáp ứng nhiệm vụ kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.

Như vậy, các ngân hàng phải ý thức được vấn đề này để đẩy nhanh tiến trình cải cách và xử lý nợ xấu một cách toàn diện và triệt để. Hiện tại, tỷ lệ tổng nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng hiện còn cao; mặc dù đã giảm mạnh từ mức 10,6%/tổng dư nợ xuống còn 6,6%/tổng dư nợ nhưng cần phải sớm đưa về mục tiêu dưới 3% vào 2020. Do đó, các tổ chức tín dụng phải tăng cường xử lý và giảm thiểu nợ xấu phát sinh.

Vừa qua, nhiều tổ chức tín dụng đã hoàn thành phương án tái cơ cấu và đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nhưng vẫn còn một số đơn vị chưa hoàn thành. Hội đồng quản trị, Ban điều hành các tổ chức tín dụng phải coi đây là nhiệm vụ tối quan trọng trong thời gian tới và nên hoàn thành sớm để báo cáo Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước kiên định, nhất quán với các mục tiêu điều hành về lãi suất, tỷ giá; sẽ sớm có lộ trình giảm dần để tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ.

Đối với room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cứng nhắc nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là lạm phát.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã có phương án xử lý tổng thể đối với các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và tới đây, sẽ báo cáo Chính phủ các phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.

 

Tin mới lên