Diễn đàn VNF

Thiếu minh bạch thông tin, nông sản sẽ bị người tiêu dùng bỏ rơi

Trước các bê bối thực phẩm bẩn liên tục xuất hiện, TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cả nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cần phải tham gia chuỗi cung ứng và minh bạch tất cả các khâu để lấy niềm tin của người tiêu dùng.

Thiếu minh bạch thông tin, nông sản sẽ bị người tiêu dùng bỏ rơi

TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

- Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về thực phẩm sạch, song tình trạng thực phẩm bẩn chưa được xử lý triệt để đang gây nhiều hoang mang. Cần làm gì để cải thiện tình trạng này, thưa ông?

TS. Đào Thế Anh: Chỉ nhìn vào sự thay đổi của hệ thống bán lẻ thực phẩm, có thể thấy rõ sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Nếu như năm 2014, cả nước có 921 siêu thị, mini mart, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, thì đến nay con số này đã lên tới 3.354. Người tiêu dùng đang chuyển dần sử dụng sản phẩm từ các chợ truyền thống sang hệ thống bán lẻ. Theo thống kê của chúng tôi, tỷ lệ người dân đi chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm đã giảm tới 35,5% so với cách đây 5 năm.

Tại sao Việt Nam là nước sản xuất rất nhiều nông sản, thực phẩm, nhưng hàng nông sản nhập khẩu vẫn rất lớn? Đó chính là câu chuyện niềm tin. Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, cần có sự minh bạch thông tin trong các quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm. Muốn làm được điều này, cần hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra được nguồn gốc hàng hóa.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã rất tích cực trong áp dụng mã QR Code và các ứng dụng công nghệ thông tin khác trong truy xuất nguồn gốc, giúp sản phẩm minh bạch hơn, được người tiêu dùng đón nhận.

- Thưa ông, cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản an toàn, nhưng chỉ 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Vì sao vậy?

Các chuỗi nông sản hoạt động có hiệu quả thấp là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lựa chọn và tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về chuỗi cũng còn hạn chế.

Đáng mừng là hiện nay, nhiều người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã tự nguyện hình thành chuỗi. Họ đã nhận ra rằng, muốn bán được hàng hóa, thì phải tham gia chuỗi giá trị, minh bạch thông tin. Việc phát triển chuỗi giá trị sẽ giúp họ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó giảm tối đa tình trạng giải cứu nông sản…

- Vậy theo ông, trong phát triển chuỗi, doanh nghiệp sẽ giữ vai trò hạt nhân?

Có nhiều tác nhân tham gia chuỗi, doanh nghiệp là tác nhân rất quan trọng. Tuy nhiên, theo tôi, tác nhân quan trọng nhất phải là tổ hợp tác, các HTX kiểu mới. Phải có các HTX, tổ hợp tác này thì doanh nghiệp mới có thể hợp tác với người nông dân, mới có thể hợp tác công - tư (PPP), mới có thể chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ hiện đại, cập nhật và quản lý thông tin chuỗi…

Tuy vậy, đa phần HTX hiện nay còn yếu về năng lực quản trị. Hy vọng, thời gian tới, với đề án 15.000 HTX có hiệu quả, việc xây dựng các chuỗi giá trị sẽ trở nên dễ dàng hơn. Theo đó, thông tin về sản phẩm nông nghiệp sẽ ngày càng minh bạch hơn với người tiêu dùng.

Với sự thay đổi của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp và HTX đã ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain… trong quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Theo ông, các công nghệ này có giúp việc truy xuất nguồn gốc nông sản Việt Nam thời gian tới dễ dàng hơn?

Công nghệ hiện đại cho phép truy xuất thông tin về chuỗi một cách minh bạch với chi phí rẻ hơn. Tuy vậy, công nghệ vẫn chỉ là phương tiện. Nếu có công nghệ mà quy trình sản xuất không đồng nhất, thông tin không được cập nhật, thì càng làm người tiêu dùng mất niềm tin. Do đó, quan trọng nhất đối với chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc vẫn từ những người nông dân và các HTX, tổ hợp tác. Họ cần được tư vấn, đào tạo đầy đủ khi tham gia các chuỗi. Đáng buồn, đây là khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay.

Tin mới lên