Tài chính tiêu dùng

Thị trường tài chính tiêu dùng: Nườm nượp đổ vốn đầu tư

Lãi gấp 7-8 lần kinh doanh ngân hàng, tài chính tiêu dùng đang trở thành thỏi nam châm "hút" các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, 85% miếng bánh thị phần đang nằm trong tay 4 doanh nghiệp lớn, hơn chục doanh nghiệp còn lại chỉ chia nhau gần 15% thị phần ít ỏi.

Thị trường tài chính tiêu dùng: Nườm nượp đổ vốn đầu tư

Ảnh minh họa.

Nhộn nhịp M&A, hàng loạt tân binh nhập cuộc

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho Công ty tài chính điện lực (EVNFinance) được phép cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng, thay vì chỉ cấp tín dụng cho doanh nghiệp, cá nhân trong ngành điện như trước. EVNFinance là "tân binh" mới nhất tham gia thị trường tài chính tiêu dùng.

Không kể EVNFinance, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, thị trường đã có thêm sự nhập cuộc của 3 nhà đầu tư mới thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), gồm SeABank và hai "đại gia" đến từ Hàn Quốc là Lotte Card và Shinhan Card.

Cụ thể, SeABank rót 710 tỷ đồng mua lại Công ty tài chính bưu điện, Lotte Card chi hơn 1.700 tỷ đồng mua lại 100% vốn Công ty tài chính Techcombank, Shinhan Card rót hơn 3.420 tỷ đồng (151 triệu USD) mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC).

Dù số lượng công ty tài chính không tăng, song việc liên tiếp xuất hiện nhà đầu tư mới cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã tăng tới 65%. Con số này đang gây tranh cãi, song không thể phủ nhận là người tiêu dùng Việt ngày càng "bạo" vay tiền để chi tiêu.

Hơn nữa, theo tính toán của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của phân khúc cho vay tiêu dùng đạt khoảng 20%, tức là nếu cho vay 100 đồng thì công ty tài chính lãi đến 20 đồng. Trong khi đó, các ngân hàng cho vay 100 đồng chỉ lãi 2,7-3 đồng. Mức lãi khủng khiếp cao gấp 7-8 lần ngân hàng khiến thời gian qua, hàng loạt ngân hàng nhảy vào lĩnh vực này như: SHB, Maritime Bank, MB, VPBank…

Ông lớn bành trướng thị phần, công ty nhỏ khó khăn nhập cuộc

Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay ước khoảng 800.000 tỷ đồng (số liệu của Ngân hàng Nhà nước). Các công ty tài chính tuy chỉ mới chiếm tỷ trọng 1%, song lại có tốc độ phát triển rất mạnh. Đây là lý do khiến các ngân hàng, doanh nghiệp nườm nượp đổ vốn vào đầu tư.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng nhanh chóng gặt hái được thành công trong thị trường béo bở mà cũng đầy cạm bẫy này. Bằng chứng là cả nước có tới 16 công ty tài chính, nhưng hơn 80% thị phần nằm trọn trong tay 4 công ty lớn: FE Credit, Home Credit, HDSaison, Prudential Finance.

Trong đó, FE Credit (trực thuộc VPBank) là doanh nghiệp lớn nhất với về thị phần (gần 40%) và đang giữ vị trí quán quân về lợi nhuận, với hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2017. Tiếp theo là Home Credit với khoảng 16% thị phần, doanh thu năm 2017 là 29.000 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp tiếp theo trong cỗ xe tứ mã đang bám sát FE Credit là HD Saison và Prudential Finance với tổng thị phần khoảng 20%.

Như vậy, thị trường tài chính tiêu dùng tuy rộng lớn và nhiều doanh nghiệp tham gia, song thị phần lại đang rất chênh lệch, tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Dù thị trường này được coi là béo bở, song không hề "dễ ăn". Nhiều công ty tài chính đang trong cảnh thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả như Tài chính bưu điện, Tài chính Handico,… Đây là điều dễ hiểu bởi đa phần các công ty tài chính này đều trực thuộc doanh nghiệp Nhà nước.

Tới nay, một số công ty tài chính dù đã được ngân hàng mua lại và bơm thêm vốn từ vài năm nay, song vẫn chưa thể đi vào hoạt động như dự kiến, như Công ty tài chính Cộng đồng (thuộc Maritime Bank), Công ty tài chính SHB. Hai công ty này vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Công ty tài chính MB, sau khi bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản và đổi tên thành MB Shinsei, đã đi vào hoạt động, song lượng khách hàng và hệ thống mạng lưới tư vấn bán hàng còn rất nhỏ bé so với các doanh nghiệp lớn.

Cho đến nay, ngoài VPBank và HDBank, chưa có thêm ngân hàng nào là "đối thủ" đáng gờm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Theo các chuyên gia ngân hàng, dù tài chính tiêu dùng là lĩnh vực béo bở, tỷ suất sinh lời cao, song rủi ro nợ xấu lại rất lớn. Nếu không quản trị tốt, công ty tài chính thậm chí còn khiến uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng, nợ xấu phình to.

Dĩ nhiên, với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư ngoại như Lotte Card, Shinhan Card…, cùng xu hướng cho vay tiêu dùng qua thẻ đang nở rộ, thị phần cho vay tiêu dùng có thể sẽ được vẽ lại. Song sự cạnh tranh vì thế cũng ngày càng gay gắt. Khi đó, miếng bánh ngon tài chính tiêu dùng có thể trở thành cục xương khó nuốt.

Quyết định "bán đứt" công ty tài chính của Techcombank, dù ngược dòng, nhưng có thể lại là quyết định khôn ngoan…

Tin mới lên