Tài chính

Tạm dừng tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2019

(VNF) - Từ nay đến hết năm 2019, thuế bảo vệ môi trường, trong đó có mặt hàng xăng dầu, sẽ không tăng như kế hoạch ban đầu.

Tạm dừng tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2019

Tạm dừng tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2019. (ảnh minh họa)

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa chỉ đạo Vụ Pháp chế phối hợp với Vụ Chính sách Thuế báo cáo Bộ việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Sau đó, nội dung này được gửi tới Bộ Tư Pháp tổng hợp để điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2019.

Như vậy, từ nay đến hết năm 2019, thuế bảo vệ môi trường, trong đó có mặt hàng xăng dầu, sẽ không tăng, như kế hoạch ban đầu.

Trước đó, trong một bản dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng lên 4.000 đồng. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tức tăng 500 đồng/lít.

Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, tức tăng 1.100 đồng/lít. Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tương ứng tăng 1.100 đồng/kg. Dầu hỏa tăng thêm 1.700 đồng/lít, từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Theo lý giải trước đó của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; đồng thời, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết, việc tăng khung thuế để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Đồng thời, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.096 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng khác, nếu tính theo phương án đề xuất điều chỉnh mới, sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.

Theo dự kiến trước đó, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thuế xăng dầu mới có thể áp dụng từ tháng 10/2018, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch tăng thuế trong tháng 7/2018. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định Thường vụ Quốc hội sẽ không biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp bởi còn nhiều ý kiến trái chiều.

Tin mới lên