Tài chính

Từ vụ 'Hồ sơ Panama': 9,3 tỷ USD bất hợp pháp mỗi năm chạy khỏi Việt Nam đi đâu?

(VNF) - Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đang phát triển có lượng tiền bất hợp pháp chảy ra nước ngoài lớn nhất trong thập kỷ qua.

Từ vụ 'Hồ sơ Panama': 9,3 tỷ USD bất hợp pháp mỗi năm chạy khỏi Việt Nam đi đâu?

Tháng 12/2015, Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (Global Financial Integrity - GFI) có trụ sở ở Washington, chuyên nghiên cứu về các dòng tiền xuyên biên giới, đã công bố báo cáo "Dòng tài chính bất hợp pháp pháp từ các quốc gia đang phát triển giai đoạn 2004 - 2013". Các luồng tài chính phi pháp mà GFI nhắm tới thường đến từ hoạt động trốn thuế, tham nhũng, buôn bán trái pháp luật.

Thống kê cho thấy, giai đoạn từ 2004 - 2013, đã có tổng cộng 7,8 nghìn tỷ USD tiền bất hợp pháp chảy khỏi các quốc gia đang phát triển, chủ yếu qua hình thức hóa đơn giả và các thỏa thuận thương mại bất hợp pháp. Lượng tiền này vượt tổng số tiền viện trợ nước ngoài và FDI mà các nước đang nghèo nhận được.

Dòng tài chính bất hợp pháp tại các nước đang phát triển lần đầu tiên vượt qua mốc 1 nghìn tỷ USD trong năm 2011 và đã tăng lên 1,1 nghìn tỷ USD trong năm 2013, đánh dấu một sự gia tăng đáng kể từ năm 2004, thời điểm dòng tiền bất hợp pháp chỉ đứng ở mức 465,3 tỷ USD. Dòng tài chính bất hợp pháp trung bình một năm chiếm khoảng 4,0% GDP của các nước đang phát triển, theo GFI.

Lượng tiền bất hợp pháp chảy khỏi Việt Nam ra nước ngoài từ năm 2004 - 2013. Nguồn số liệu: GFI

Theo báo cáo này, trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2013, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 9,29 tỷ USD tiền bất hợp pháp ra khỏi biên giới, nghĩa là tổng cộng gần 93 tỷ USD trong vòng 10 năm qua. Với lượng tiền này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 18 trong số 149 quốc gia đang phát triển theo xếp hạng của GFI về lượng tiền phi pháp chảy ra nước ngoài.

Tại thời điểm năm 2013, lượng tiền chuyển bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài lên tới 17,837 tỷ USD, gấp hơn 4 lần lượng tiền năm 2004 là 4,034 tỷ USD.

Ngày 13/4, bên lề Bàn tròn chia sẻ thông tin Thuế - Việc làm - Chính sách thuế Việt Nam do ActionAid Việt Nam tổ chức, mặc dù chưa khẳng định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có liên quan tới "Hồ sơ Panama" nhưng ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, vụ việc đã thức tỉnh cơ quan thuế giám sát mạnh hơn các doanh nghiệp từ vùng "thiên đường thuế".

Theo ông, trên thế giới, có một số khu vực áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% nên nhiều nhà đầu tư đã tận dụng các "thiên đường thuế" để tạo lập cơ sở kinh doanh rồi đầu tư vào nơi khác, trong đó có Việt Nam. Sau đó, các nhà đầu tư này tận dụng mọi ưu đãi thuế trong nước rồi chuyển tiền trở lại các "thiên đường thuế" để hưởng mức thuế bằng 0%. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế Tài chính) tin rằng, việc trốn thuế, rửa tiền như vụ "Hồ sơ Panama" vừa được phanh phui cũng đang xuất hiện trong dòng vốn vào Việt Nam. "Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại", chuyên gia Vũ Đình Ánh cảnh báo.

Trước đó, này 6/4, theo tin từ báo Lao động, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, hiện tại ông mới biết thông tin từ tình hình thời sự trên thế giới và phía Việt Nam cũng đang có những tìm hiểu về tài liệu này. 

"Đây là những tài liệu mật đang được phanh phui, chúng tôi đang nghiên cứu. Hiện tại không dám khẳng định là Việt Nam có liên quan hay có tên trong "Tài liệu Panama" hay không vì chưa có thông tin cụ thể. Nhưng nếu theo hồ sơ, tài liệu mà phát hiện ra thì mình sẵn sàng hợp tác để điều tra làm rõ", ông Đạt nói.

Ông Đạt khẳng định, nếu bất kể cá nhân, tổ chức nào sai phạm theo đúng "Tài liệu Panama" nêu đều phải được xử lý. Còn xử lý theo cách nào thì căn cứ vào pháp luật của Việt Nam. "Hiện tại thì chưa phát hiện ra trường hợp nào, nếu bị phát hiện thì đều phải xử lý", ông Đạt nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính cho biết riêng trong năm 2015, sau thanh tra các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan chức năng đã thực hiện giảm lỗ trên 4.400 tỷ đồng, truy hoàn và phạt trên 500 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, ​cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan công an trên 1.600 hồ sơ. Đây là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, dấu hiệu trốn thuế, nợ đọng thuế, có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp,...

Tuy nhiên, những kết quả này theo nhiều chuyên gia chỉ là phần nổi vô cùng nhỏ của tảng băng chìm tại Việt Nam.

Ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty bình phong (offshore company) khổng lồ trên thế giới. 

Theo các kết quả điều tra, Mossack Fonseca đã giúp khoảng 140 chính trị gia, trong đó có đến 12 nguyên thủ quốc gia cùng gia đình và thân tín của họ, nhiều tỷ phú, ngôi sao, trùm ma túy,... trốn nộp thuế. Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật tài sản của giới nhà giàu trên toàn thế giới.

Tin mới lên