Tài chính

‘Soi’ bức tranh tài chính của 27 ‘ông lớn’ doanh nghiệp nhà nước

(VNF) - Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước đều sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 9.400 tỷ đồng và 0,42 triệu USD.

‘Soi’ bức tranh tài chính của 27 ‘ông lớn’ doanh nghiệp nhà nước

Bức tranh kinh doanh tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Nợ phải thu lớn, hệ số nợ cao

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán về các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của 201 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, có nhiều nợ phải thu quá hạn như Vinaconex (541,05 tỷ đồng), Công ty mẹ - Veam (1.121,53 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Veam (264,72 tỷ đồng); Vinachem 753,86 tỷ đồng (chiếm 10,94% nợ phải thu); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 303,97 tỷ đồng (chiếm 7,07% nợ phải thu); Vinanren 302,56 tỷ đồng (chiếm 69% nợ phải thu); Sabeco (60,39 tỷ đồng); IDICO (90,49 tỷ đồng); VNR (49,54 tỷ đồng); CC1 (45,44 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó, một số đơn vị trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định như Vinacafe trích thừa 24,42 tỷ đồng, HUD thừa 29,85 tỷ đồng, Vinachem thừa 9,28 tỷ đồng...

Ngoài ra, nhiều “ông lớn” nhà nước cũng chưa ban hành quy chế quản lý nợ phải thu. Điển hình như Công ty Cổ phần DAP Vinachem, Công ty Cổ phần Bột giặt Net, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam; Công ty Cổ phần Phước Hòa FICO; Công ty TNHH MTV Cà phê EaSim, Công ty TNHH MTV Cà phê EaTiêu; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD 1, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng đô thị Việt Nam…

Công ty mẹ - Habeco chưa ban hành quy chế quản lý tiền.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết một số đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền như Công ty mẹ - Habeco, Công ty Cổ phần Thương mại Bia Hà Nội, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương, Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội thuộc Habeco; Vinacafe.

Ngoài ra, một số đơn vị sử dụng tiền tồn quỹ, nhàn rỗi chưa linh hoạt. Có thể kể đến như Công ty mẹ - VNR, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú thuộc VNR.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, công ty để vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển lớn gồm: Công ty mẹ - Veam (210,46 tỷ đồng); Vinachem (181,08 tỷ đồng); Sabeco (28,22 tỷ đồng); Công ty mẹ - VNR (26,3 tỷ đồng); Công ty mẹ - TKV (10,08 tỷ đồng), Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV (3,26 tỷ đồng); Saigontourist (9,58 tỷ đồng).

Một số đơn vị khấu hao tài sản cố định không đúng quy định như: Công ty mẹ - VEC trích thừa 165,78 tỷ đồng và thiếu 563,38 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trích thừa 288,18 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xi măng FICO Tây Ninh trích thiếu 39,99 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.

Có thể kể đến như: VIDIFI 14,56 lần; Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp 12,5 lần; Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa 11,71 lần, Công ty Cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú 6,67 lần, Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh 5,37 lần; Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem 9,97 lần, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 8,53 lần, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ 5,01 lần...

Một số đơn vị vẫn chưa được góp đủ vốn điều lệ như Công ty mẹ - Vinachem thiếu 1.814,15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình thiếu 186,26 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn trung tâm thiếu 2,14 tỷ đồng; Vinanren thiếu 94,56 tỷ đồng.

Đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả

Theo Kiểm toán Nhà nước, hoạt động đầu tư tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả với nhiều công ty con thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, giải thể.

Cụ thể, một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định gồm: Công ty mẹ - Vinaconex trích thừa 7,32 tỷ đồng; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trích thừa 6,98 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn trích thiếu 68,05 tỷ đồng...

Thêm vào đó, một số đơn vị còn chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng; góp vốn sở hữu chéo lẫn nhau không phù hợp với quy định của Chính phủ.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của một số tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.

Điển hình là khoản đầu tư của TKV tại Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng, Campuchia; dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun, Bản Nato, Lào; dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai; dự án khảo sát thăm dò khoáng sản Crom - Antimon tại tỉnh Pousat, Campuchia; dự án Đầu tư XDCT khai thác và chế biến tinh quặng bauxite công suất 300.000 tấn/năm tại tỉnh Mondulkiiri, Campuchia.

Hay như khoản đầu tư của Vinachem tại dự án Muối mỏ tại Lào; dự án đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan và huyện Xaibouli, tỉnh Savanahat, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Hàng loạt dự án đội vốn, chọn nhà thầu sai quy định

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các sai sót về chủ đầu tư chưa huy động đủ vốn theo cơ cấu vốn trong phương án tài chính được duyệt; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, không đúng quy hoạch ngành; phê duyệt dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; không thực hiện đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ về tiến độ khi xin chỉ định thầu.

Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của TKV.

Đáng chú ý, Tập đoàn TKV áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư; ký kết hợp đồng không đúng quy định khi chưa có bảo lãnh của Chính phủ; tiến độ hoàn thành dự án còn chậm so với kế hoạch...

Trong đó, dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của TKV lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư. Hợp đồng EPC nhà máy alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỷ đồng, tương đương 387,5 triệu USD.

Ngoài ra, một số dự án của các “ông lớn” khác cũng bị “điểm danh” như dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho, vốn đối ứng của EVNNPT 256,503 tỷ đồng bằng 9,14% tổng mức đầu tư (256,503 tỷ đồng /2.806,260 tỷ đồng) thấp hơn 11,65% so với phương án tài chính được duyệt (20,79%); dự án thủy điện Nậm Chiến có nguồn vốn tự có theo cơ cấu được duyệt 20,8%, thực hiện 17,5%;

Một số dự án lập, thẩm định, phê duyệt có quy mô, thời gian không tuân thủ kế hoạch 5 năm được phê duyệt như: dự án khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền - Lào Cai, dự án khu liên hiệp gang thép Cao Bằng, dự án khu liên hợp gang thép Lào Cai; các dự án của Tổng công ty Điện lực không tuân thủ quy hoạch ngành điện (Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1,2,3; Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2; Công trình Thủy điện Đồng Nai 5).

Tính đến ngày 31/12/2016, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng.

Một số dự án lập tổng mức đầu tư không sát thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Chẳng hạn như dự án cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỷ đồng; dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho điều chỉnh một lần tăng 2.309 tỷ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh điều chỉnh một lần tăng 1.488 tỷ đồng, đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỷ đồng;

Hay như dự án thủy điện Nậm Chiến điều chỉnh 4 lần tăng 3.361 tỷ đồng; dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng điều chỉnh 2 lần tăng 9.194 tỷ đồng; dự án đầu tư công trình khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Bát Xát - Lào Cai điều chỉnh 3 lần tăng 1.524 tỷ đồng; Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê điều chỉnh 1 lần tăng 1.129 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 điều chỉnh một lần tăng 1.962 tỷ đồng...

Kiểm toán Nhà nước cũng nhắc đến một số “đại dự án thua lỗ” như: dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình đến 31/12/2016 lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng; dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6/2017 lỗ lũy kế 2.035 tỷ đồng;

Dự án Nhà máy DAP Hải Phòng đến năm 2016 lỗ 469,45 tỷ đồng; dự án Nhà máy DAP số 2 đến hết tháng 6/2017 lỗ lũy kế 1.447 tỷ đồng; dự án Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng sản lượng năm 2016 chỉ đạt khoảng 37%, đến 31/12/2016 lỗ lũy kế 248,1 tỷ đồng.

Tin mới lên