Ngân hàng

SHB ‘căng mình’ chuyển hướng

(VNF) – SHB đang tìm "lối thoát" cho bài toán tăng trưởng thông qua việc tập trung phát triển mảng bán lẻ vốn có hiệu suất sinh lời cao hơn khá nhiều mảng tín dụng "truyền thống". Dù động thái này là khá muộn màng nhưng đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh SHB vẫn đang "căng mình" sau khi sáp nhập Habubank.

SHB ‘căng mình’ chuyển hướng

SHB đang tìm "lối thoát" tăng trưởng ở mảng tín dụng bán lẻ. Ảnh: Nhã Chi

Vẫn "nuốt nước bọt" vì giá cổ phiếu

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 diễn ra vào ngày 21/04, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) Đỗ Quang Hiển từng chia sẻ với cổ đông rằng, đôi khi ông "nuốt nước bọt" vì cổ phiếu SHB quá hấp dẫn và quá thấp so với giá trị doanh nghiệp. Chốt phiên giao dịch ngày hôm đó, giá mỗi cổ phiếu SHB ở mức 6.300 đồng.

8 tháng sau, giá cổ phiếu SHB thậm chí còn sụt giảm hơn so với thời điểm diễn ra Đại hội đồng cổ đông 2016. Chốt phiên giao dịch ngày 19/12, giá mỗi cổ phiếu SHB ở mức 4.800 đồng. Với mức giá "rau muống" như trên, hẳn Chủ tịch Đỗ Quang Hiển vẫn đang tiếp tục phải "nuốt nước bọt".

SHB căng mình chuyển hướng

Dù hoạt động kinh doanh vẫn đều đặn nhưng giá cổ phiếu SHB vẫn "lẹt đẹt" dưới mệnh giá suốt nhiều năm nay

Thực tình, xét trên nhiều khía cạnh, SHB là ngân hàng không có nhiều điểm để chê. Tính đến hết ngày 30/09/2016, vốn chủ sở hữu của SHB ở mức 11.961 tỷ đồng, khá dày dặn so với nhiều ngân hàng khác. Tiền gửi khách hàng của SHB ở mức 163.082 tỷ đồng, thuộc vào hàng "top" trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Cơ cấu kinh doanh của SHB cũng khá hợp lý khi phần lớn tài sản được đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là tín dụng với dư nợ tín dụng 145.627 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/09/2016, trong khi mảng chứng khoán đầu tư chỉ được SHB "dồn" 20.203 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tất cả các hoạt động kinh doanh như tín dụng và đầu tư, dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư hay mua bán chứng khoán kinh doanh đều động loạt ghi nhận lãi thuần.

Mặc dù suốt 3 năm trở lại đây, mức lãi trước thuế hàng năm của SHB dao động quanh mức 1.000 tỷ đồng, không cao so với tiềm lực tài chính, nhưng đó không thể là nguyên nhân dẫn đến việc giá cổ phiếu SHB "lẹt đẹt" suốt nhiều năm qua.

Nguyên nhân vì đâu?

Nguyên nhân quan trọng chặn bước tăng của cổ phiếu SHB sau thời kỳ rớt giá, đồng thời "dìm" giá cổ phiếu SHB xuống thấp hơn nữa, nhiều khả năng là đến từ thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank).

Ngay sau khi chính thức tiếp quản Habubank vào tháng 8/2012, ngay lập tức, SHB ghi nhận mức lỗ 1.706 tỷ đồng tính riêng trong quý III/2012, kéo lợi nhuận sau thuế cả năm 2012 của SHB chỉ còn vỏn vẹn 26 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu năm 2012 của ngân hàng này cũng đột ngột tăng mạnh từ mức 2,22% của năm 2011 lên mức 8,8%. Đây là đòn mạnh giáng vào cổ phiếu SHB khiến giá cổ phiếu này "không ngóc đầu lên được".

Đến nay, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của SHB đã giảm xuống chỉ còn 2,24% tại thời điểm kết thúc ngày 30/09/2016, thế nhưng, vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó.

SHB căng mình chuyển hướng

Thương vụ sáp nhập Habubank vẫn đang khiến SHB phải "căng mình"

Kể từ khi sáp nhập Habubank, lãi dự thu của SHB liên tục tăng mạnh, từ mức 1.645 tỷ đồng năm 2011 lên mức 4.460 tỷ đồng năm 2012, tiếp tục tăng lên mức 5.659 tỷ đồng trong năm 2013 và đạt mức 6.921 tỷ đồng vào năm 2014. Năm 2015, con số lãi dự thu của SHB tiếp tục tăng mạnh lên mức 8.872 tỷ đồng và đạt 10.170 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc ngày 30/09/2016.

Mức lãi dự thu của SHB lớn cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối so với đại đa số các ngân hàng khác. Đáng chú ý là, lãi dự thu lớn thường được giới chuyên gia xem là một chỉ báo quan trọng cho thấy, vẫn còn một lượng nợ xấu không nhỏ vẫn chưa được ngân hàng chính thức ghi nhận.

Ngoài ra, sau khi sáp nhập Habubank, khoản mục "Tài sản Có khác" của SHB cũng bỗng nhiên tăng mạnh từ mức 924 tỷ đồng vào năm 2011 lên mức 4.256 tỷ đồng vào năm 2012 và hiện đang ở mức 6.124 tỷ đồng. Đây cũng là con số lớn so với đại đa số các ngân hàng xét về cả số tuyệt đối lẫn số tương đối.

Một phần không nhỏ trong số "Tài sản Có khác" của SHB là các khoản ủy thác đầu tư xuất phát từ Habubank. Đáng chú ý, SHB được Ngân hàng Nhà nước cho phép phân bổ dự phòng phải trích vào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tối đa 10 năm, nghĩa là có thể vẫn còn một lượng tài sản ủy thác đầu tư đáng ra phải ghi nhận dự phòng nhưng lại chưa được ghi nhận.

Thêm vào đó, SHB vẫn còn tới 7.332 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC tính đến thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016 và mới chỉ trích lập dự phòng được vỏn vẹn 651 tỷ đồng.

SHB tìm hướng đi mới

Vừa mới đây, SHB đã ra thông báo phát hành cổ phiếu ra công chúng để hoán đổi cổ phiếu nhằm thực hiện giao dịch sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF) vào SHB. Cụ thể, SHB sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của VVF với tỷ lệ hoán đổi 1:1.

Sau khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của SHB sẽ được nâng lên mức 10.486 tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn, theo phía SHB, ngân hàng này sẽ nhanh chóng thành lập Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (viết tắt là Công ty tài chính tiêu dùng SHB). Vốn điều lệ của công ty này là 1.000 tỷ đồng.

Phía SHB coi đây là cơ hội tốt giúp nhà băng này thực hiện hóa chiến lược trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Như vậy, chuyện SHB chuyển hướng tập trung vào phát triển mảng bán lẻ đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, đâu là nguyên nhân cặn kẽ dẫn đến quyết định này của SHB?

SHB căng mình chuyển hướng

SHB đã quyết định tập trung phát triển mảng tín dụng bán lẻ vốn có tỷ suất sinh lời cao hơn mảng tín dụng "truyền thống", dù động thái này là khá muộn màng

Như đã đề cập, 3 năm trở lại đây, lãi trước thuế của SHB dao động quanh mức 1.000 tỷ đồng, không phải là thấp nhưng cũng không cao nếu so với tiềm lực tài chính của ngân hàng này. Sở dĩ có chuyện như vậy là bởi, SHB trước nay vẫn quá tập trung vào hoạt động tín dụng "truyền thống" vốn có tỷ suất sinh lời thua kém khá nhiều so với tín dụng bán lẻ.

Hiện cơ cấu tín dụng cá nhân và hộ gia đình của SHB chỉ chiếm vỏn vẹn 17,69% tổng dư nợ tín dụng, trong khi tỷ trọng cơ cấu bán lẻ ở đa số các ngân hàng khác lớn hơn nhiều, hầu hết đều trên 40%, hay chí ít cũng trên 30%. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lãi thuần trên thu nhập lãi (phản ánh hiệu suất kinh doanh tín dụng) của SHB chỉ ở mức khoảng 25%, trong khi con số này ở MBBank là trên 50%, Techcombank là trên 50%, VPBank là gần 60%, ACB là trên 40%...

Thậm chí, ít ai biết rằng, cơ cấu tín dụng của SHB còn "truyền thống" đến mức dư nợ tín dụng của nhóm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ tín dụng của SHB, hiện lên đến 20,82%.

Việc tập trung vào phát triển mảng bán lẻ không chỉ là "lối thoát" cho bài toán tăng trưởng của SHB, mà lợi nhuận gia tăng từ mảng bán lẻ còn giúp SHB nhanh chóng bù đắp những tổn thất sau khi sáp nhập Habubank, đồng thời, tạo động lực đưa cổ phiếu SHB lên những mặt bằng giá mới.

Tin mới lên