Ngân hàng

Sau 3 tuần hút ròng tiền, NHNN bơm ròng lần đầu tiên trong năm 2018

(VNF) – Sau 3 tuần đầu năm hút ròng tới hơn 39.000 tỷ, tuần qua, NHNN đã lần đầu tiên bơm ròng tiền trong năm 2018 với lượng khiêm tốn ở mức 2.718 tỷ đồng.

Sau 3 tuần hút ròng tiền, NHNN bơm ròng lần đầu tiên trong năm 2018

NHNN hút ròng tuần đầu tiên trong năm 2018

NHNN bơm ròng tuần đầu tiên trong năm 2018

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 22 – 26/1 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tuần qua, trên thị trường liên ngân hàng, nguồn cung dồi dào giúp duy trì trạng thái thanh khoản hệ thống. Lãi suất giữ xu hướng giảm nhưng đà giảm có phần chậm lại so với tuần trước.

Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn qua đêm và một tuần giảm nhẹ 0,075 điểm% và 0,05 điểm% xuống mức 1,47% và 1,70%, trong khi lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,35 điểm% lên 3,6%.

Hoạt động thị trường mở chủ yếu xoay quanh nghiệp vụ phát hành tín phiếu. Tổng khối lượng tín phiếu phát hành trong tuần vẫn rất cao ở mức 51 nghìn tỷ, bù lại 54 nghìn tỷ đáo hạn trong tuần. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng tuần đầu tiên trong năm 2018, tuy nhiên khối lượng bơm ròng khá khiêm tốn ở mức 2.718 tỷ đồng. Khối lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn ở mức khá cao với 51 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất trái phiếu tiếp tục giảm mạnh

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào khiến cho nhu cầu mua trái phiếu của các thành viên thị trường vẫn rất cao. Mặc dù KBNN giảm khối lượng chào thầu xuống 3.500 tỷ đồng cho hai kỳ hạn 10 và 15 năm, khối lượng đăng ký vẫn duy trì ở mức hơn 22 nghìn tỷ, tương đương 6,4x lần khối lượng chào thầu. Cầu trái phiếu cao cộng hưởng với xu hướng giảm lãi suất giúp trái phiếu được phát hành dễ dàng với lãi suất giảm mạnh 0,32 điểm% và 0,53 điểm% chỉ sau 1 tuần. Xu hướng giảm đã đưa lãi suất các kỳ hạn về rất sát nhau ở mức thấp kỷ lục.

Lợi tức trái phiếu giảm mạnh, khối ngoại bán ròng tuần đầu tiên

Cùng chung xu hướng với thị trường sơ cấp, lợi tức trái phiếu thứ cấp cũng giảm rất mạnh. Lợi tức tất cả các kỳ hạn cùng giảm với mức bình quân 0,50 điểm%, kéo đường cong lợi suất xuống rất thấp so với tuần trước. Lợi tức các kỳ hạn 1 và 2 năm giảm tương ứng 0,43 điểm% và 0,52 điểm%, lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 3%.

Lợi tức trái phiếu diễn biến tích cực đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước, với tổng giá trị giao dịch đạt gần 57 nghìn tỷ, tương đương bình quân 11,3 nghìn tỷ/phiên, tăng 18% so với tuần trước.

Giao dịch của khối ngoại tăng khá, đặc biệt ở chiều bán ra, khiến khối này bán ròng nhẹ 21 tỷ đồng trong tuần. Đây là tuần bán ròng đầu tiên của năm 2018, lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 2 nghìn tỷ trái phiếu.

USD tiếp tục giảm trên thị trường quốc tế

Chính phủ Mỹ đã hoạt động trở lại từ ngày 23/1 sau một thời gian tạm thời đóng cửa. Cũng trong một nỗ lực cứu vãn đà rơi của đồng USD, tổng thống Trump đã phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos cho rằng USD sẽ tăng giá khi kinh tế Mỹ phục hồi. Tuy vậy, đồng USD vẫn tiếp tục mất giá và rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2014.

Chỉ số DXY giảm 1,66% xuống 89,07 điểm khi đồng USD rớt giá so với các ngoại tệ mạnh, trong đó USD/EUR giảm 1,7%, USD/JPY giảm 2,0%, USD/GBP giảm 2,2%, USD/CHF 3,2%.

Tỷ giá USD/VND trong nước giữ ổn định ở mức tương ứng 22.675/22.745 và 22.700/22.720 trên thị trường chính thức và thị trường tự do. Tuy nhiên, chịu tác động trực tiếp từ sự mất giá của đồng USD, tỷ giá các ngoại tệ khác cũng tăng mạnh so với VND, trong đó EUR tăng 1,7%, JPY tăng 2,1%, CNY tăng 1,4%.

Trong bối cảnh đồng USD mất giá, giá vàng thế giới phục hồi tăng 1,34% lên sát 1.350 USD/ounce, ngang bằng với giá trong nước ở mức 37,00/37,08 triệu đồng/lượng. Chịu tác động của giá thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng lên mức cao nhất 4 tháng.

Tin mới lên